Theo đó, "Mặt Trăng thứ hai" này còn được gọi là 2020 SO - một vật thể nhỏ đã rơi vào quỹ đạo giữa Trái Đất và Mặt Trăng vào tháng 9 năm 2020. Những vật thể như vậy được các nhà khoa học phân loại là ‘minimoons’ (tiểu Mặt Trăng), nhưng các chuyên gia đôi khi vẫn gọi nó là “mặt trăng”.
Vào tháng 12/2020, các nhà nghiên cứu của NASA đã biết được rằng vật thể này hoàn toàn không phải là thiên thạch. Thay vào đó, nó là phần trên cùng của tên lửa đẩy Centaur thuộc về sứ mệnh Surveyor 2, được người Mỹ triển khai vào những năm 1960. Mục tiêu chính của sứ mệnh năm đó là đưa tàu vũ trụ Mỹ hạ cánh lên bề mặt Mặt Trăng. Tuy nhiên, động cơ đẩy gặp trục trặc, khiến tàu vũ trụ mất kiểm soát và đâm xuống bề mặt vệ tinh này.
Phần còn lại của tên lửa đẩy vẫn "sống sót" và biến mất khỏi tầm mắt của nhân loại, cho đến nay. Theo NASA, 2020 SO đã quay quanh Trái Đất trong nhiều thập kỷ. Vào năm 1966, 2020 SO thậm chí đã bay sát với Trái Đất. Cùng năm đó, NASA phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Surveyor 2 cùng tên lửa đẩy Centaur vào không gian.
Đây chính là bằng chứng giúp các nhà khoa học có được manh mối tin rằng 2020 SO là một vật thể do con người tạo ra. NASA sau đó cũng xác nhận 2020 là vệ tinh nhân tạo, khi so sánh cấu trúc hóa học của vật thể này với thành phần hóa học của một tên lửa đẩy khác hoạt động từ năm 1971.
Được biết, lần gần nhất 2020 SO tiến sát với Trái Đất diễn ra vào ngày 1/12 - một ngày trước khi NASA xác định đây là tàn tích còn lại của một tên lửa đẩy. Tuy nhiên, vào ngày 3/2, 2020 SO sẽ tiến cận Trái Đất một lần nữa ở khoảng cách 140.000 dặm (220.000 km).
Sau đó, vật thể này sẽ rời khỏi quỹ đạo Trái đất hoàn toàn vào tháng 3 năm 2021, theo EarthSky. Nó vẫn sẽ quay vòng quanh Mặt Trời trong suốt rất nhiều năm.
Theo Anh Việt (Pháp Luật & Bạn Đọc)