Ba Lan là một thành viên mới của NATO và có số lượng xe tăng nhiều thứ 4 trong khối. Mặc dù theo chuẩn vũ khí của NATO nhưng hiện nay xe tăng T-72 có nguồn gốc từ thời Liên Xô mới là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Ba Lan.
Giải pháp khả thi trong điều kiện ngân sách eo hẹp
Giám đốc Cơ quan quản lý tài sản quân sự Ba Lan Krzysztof Falkowski cho biết, Quân đội Ba Lan vẫn tiếp tục sử dụng xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô. Những chiếc T-72 cũ, đã được hiện đại hóa và có ý định bán cho Jordan, sẽ vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội Ba Lan.
Lý do mà Chính quyền Warsaw quyết định tiếp tục giữ lại số xe tăng T-72 là do Ba Lan lo sợ về việc tăng cường quân sự của Nga trong những năm gần đây.
Tuy Ba Lan là một trong những quốc gia đầu tiên thuộc khối Warsaw (cũ) gia nhập NATO (1999) nhưng quân đội nước này vẫn còn mang nặng tư tưởng tổ chức theo mô hình của quân đội các nước trong khối Warsaw trước đây, trong đó họ chú trọng xây dựng các đơn vị cơ giới hạng nặng.
Đồng thời để thay thế toàn bộ số xe tăng T-72 bằng các loại hiện đại hơn như Leopard của Đức chẳng hạn, thì ngân sách quốc phòng của Ba Lan chưa thể đáp ứng được, do vậy giải pháp khả thi nhất lúc này, đó là tiến hành nâng cấp và giữ lại phục vụ những chiếc T-72 trong biên chế.
"Hiện nay Ba Lan có khoảng 900 xe tăng, trong đó có hàng trăm Leopard 2A5, gần 50 Leopard 2A4, 200 PT-91 Twadry (mẫu xe tăng Ba Lan sản xuất dựa trên T-72) và gần 500 chiếc T-72/T -72M1D/ T-72M1 (sản xuất tại Ba Lan theo giấy phép của Liên Xô). Số lượng xe tăng này nhiều gấp ba lần so với số xe tăng trong lực lượng vũ trang Đức", ông Falkovski cho biết thêm.
Trong khối NATO, Ba Lan có lực lượng tăng thiết giáp lớn thứ tư (sau Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp). Trong khối Warsaw cũ, Ba Lan là quốc gia sở hữu số lượng xe tăng lớn thứ 2, chỉ đứng sau Liên Xô, trong đó phần lớn là tăng T-72. Sau khi khối Warsaw tan rã, những chiếc T-72 của quân đội Ba Lan được đưa vào niêm cất, một phần được hiện đại hóa và bán ra nước ngoài.
Khác hệ vũ khí, nhưng T-72 tiếp tục được Ba Lan tin dùng
"T-72 là loại xe tăng rất tốt, sau khi hiện đại hóa, nó vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc chiến hiện đại. T-72 sẽ tăng cường rất nhiều khả năng chiến đấu cho các lực lượng vũ trang Ba Lan. Từ quan điểm giữa chi phí và hiệu quả, quyết định của Ba Lan chắc chắn là chính xác", Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí Arsenal nói với phóng viên của Gazeta.ru.
Cũng theo ông Murakhovsky, các vấn đề về chi phí hoạt động cũng như độ tin cậy của vũ khí luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu so sánh giữa T-72 và Leopard về chi phí hoạt động, độ tin cậy cũng như mức độ đơn giản trong khai thác, sử dụng thì Leopard có giá thành đắt hơn cũng như yêu cầu về trình độ của kíp xe, nhân viên để bảo dưỡng và sửa chữa tương đối cao.
"Hiệu quả trong chiến đấu là tính năng quan trọng nhất của bất kỳ loại vũ khí nào. Một phiên bản hiện đại hóa của T-72 là T-90 Nga, có khả năng chiến đấu hoàn toàn không thua kém những chiếc Leopard và Abrams và trong các cuộc chiến ở Trung Đông hiện nay", Murakhovsky nhấn mạnh.
Rõ ràng, kinh nghiệm của các hoạt động quân sự tại Iraq và Syria được giới quân sự Ba Lan nghiên cứu kỹ lưỡng, và kết luận được rút ra trên cơ sở thực chiến của các loại vũ khí.
Nhiều khả năng là trên cơ sở đó, họ quyết định đưa hàng loạt xe tăng T-72 tái trang bị trở lại, nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng tăng thiết giáp, sẵn sàng đối phó với những cuộc khủng hoảng như tại Ukraine và chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga hiện nay.
"Hiện nay, quân đội Iraq có khả năng khai thác đồng thời các xe tăng Abrams, T-72 và T-90. Số lượng xe tăng T-90 mà Baghdad mua gần đây là lời khẳng định về chất lượng xe tăng Nga. Tính hiệu quả trong chiến đấu, đơn giản trong khai thác, sử dụng là các thông số để lựa chọn xe chiến đấu của quân đội các quốc gia khác, trong đó có Ba Lan", ông Murakhovsky cho biết.
"Nếu bạn cần một chiếc xe tăng cho chiến tranh thì nên lựa chọn T-72 và các phiên bản nâng cấp của nó, còn nếu để cho các cuộc diễu hành và mức độ hiện đại dựa trên các thông số chưa được kiểm chứng qua thực chiến, thì hãy lựa chọn xe chiến đấu bọc thép của phương Tây sản xuất", Murakhovsky kết luận.
Phát biểu trên tờ Gazeta.ru, Đại tá Sergei Kizyun, nguyên Tham Mưu Trưởng Quân khu Leningrad (Nga) cho biết, xe tăng là lực lượng chính để xây dựng năng lực chiến đấu của Quân đoàn bọc thép.
Vì vậy, "việc Ba Lan lựa chọn phương án nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, hệ thống quan sát ảnh nhiệt, nâng cấp vỏ giáp cũng như hỏa lực với những xe tăng T-72 có sẵn là hướng đi đúng và tiết kiệm ngân sách".
Sau khi hiện đại hóa, những chiếc T-72 vẫn còn thời gian sử dụng dài và đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại. Do có thời gian dài khai thác, sử dụng xe tăng T-72 nên
Ba Lan đã có kinh nghiệm cũng như biết rõ những điểm mạnh, yếu của dòng tăng này.
Ba Lan cũng đã tự sản xuất những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 Twardy trên cơ sở nâng cấp sâu mẫu T-72M1 với việc bổ sung thêm nhiều công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn NATO. PT-91 có sức mạnh không hề thua kém T-90 của Nga.
Có tạo nên cuộc chạy đua vũ trang mới ở Đông Âu?
Việc Ba Lan tiếp tục tái trang bị với số lượng lớn xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô đang ở trạng thái niêm cất, chứng tỏ họ đang gia tăng sức mạnh chiến đấu của các phương tiện bọc thép. Việc một quốc gia khối NATO trang bị xe tăng chủ lực khác tiêu chuẩn khác của khối, chứng minh Ba Lan đã cân nhắc thuần túy về mặt kỹ thuật - quân sự hơn là những yếu tố về chính trị.
Những chiếc xe tăng T-72 hiện có trong quân đội Ba Lan muốn đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại cần được hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc hiện đại hóa này sẽ không đòi hỏi những công nghệ quá khả năng của Ba Lan.
Với kinh nghiệm khai thác xe tăng T-72 và PT-91 trong một thời gian dài, Ba Lan đã xây dựng được các cơ sở sản xuất và sửa chữa cũng như đào tạo được đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm.
Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Mặc dù đã được trang bị xe tăng Leopard 2A5 của Đức (loại đã qua sử dụng) và nâng cấp lên chuẩn Leopard-PL, nhưng trên thực tế, những chiếc T-72 có từ thời Liên Xô, mới chính là xe tăng chủ lực của Ba Lan.
Tuy nhiên, việc giới lãnh đạo Ba Lan đang tìm kiếm các hệ thống vũ khí để tăng cường sức mạnh có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực Trung và Đông Âu.
Theo Trịnh Ngọc Tiến (Soha/Trí Thức Trẻ)