Ấn Độ đang gồng mình chống đỡ làn sóng dịch bệnh thứ 2 kinh khủng đến tột độ. Và ở quốc gia ngay sát cạnh họ, Nepal, chuyện đang xảy ra tương tự theo cái cách khiến người ta lạnh sống lưng. Các ca nhiễm vọt, bệnh viện quá tải, và thủ tướng đất nước đăng đàn cầu xin sự giúp đỡ của các quốc gia khác.
Hiện tại, Nepal ghi nhận tỉ lệ 20 ca nhiễm trên 100.000 người - tương đương với Ấn Độ cách đây 2 tuần. Cuối tuần qua, 44% người được xét nghiệm tại Nepal trả kết quả dương tính, báo hiệu một cơn khủng hoảng đáng sợ.
"Những gì xảy ra tại Ấn Độ lúc này giống như một kịch bản đáng sợ sẽ xảy ra với Nepal, nếu không thể ngăn chặn được làn sóng dịch bệnh đang cướp đi sinh mạng con người từng giây từng phút" - Tiến sĩ Netra Prasad Timsina, chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Nepal cho biết. Thậm chí, các chuyên gia đánh giá cơn khủng hoảng ấy sẽ ở mức độ tương đương Ấn Độ, hoặc kinh khủng hơn như thế.
Lý do là bởi nền y tế của Nepal cũng rất mong manh, với tỉ lệ bác sĩ trong dân số thấp hơn Ấn Độ, và tỉ lệ tiêm chủng cũng không bằng. Hơn nữa, tỉ lệ lây nhiễm cao như vậy cũng chứng tỏ rằng con số thực tế lớn hơn rất nhiều.
"Tình hình đang trở nên tệ hơn mỗi ngày, và sẽ sớm vượt ngoài tầm kiểm soát" - nhận định của Tiến sĩ Samir Adhikari, người phát ngôn cho Bộ Y tế và Dân số Nepal hôm 3/5.
Dù Nepal đã siết chặt biên giới và tiến hành phong tỏa tại các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất - bao gồm thủ đô của họ, nỗi sợ virus sẽ lây lan đang hiển hiện, và hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Đường biên giới mong manh
1 tháng trước, quốc gia 31 triệu dân có khoảng 100 ca nhiễm mỗi ngày. Còn giờ, con số tăng gấp... 80 lần, lên 8600 ca. Một số người cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Ấn Độ là nguyên nhân, khi 2 quốc gia có chung đường biên giới rất dài, tới 1800km.
Trên thực tế, đây là một nghi ngờ có cơ sở. Người Nepal thậm chí chẳng cần trình hộ chiếu hoặc căn cước để qua biên giới, trong khi rất nhiều người Nepal có công việc tại Ấn Độ (và ngược lại). Nói cách khác, lưu lượng người qua biên giới 2 nước là cực kỳ lớn. Cách đây vài tuần, nhiều người Ấn Độ đã tháo chạy khỏi đất nước vì làn sóng dịch thứ 2, với mong muốn tiếp cận được sự chăm sóc của Nepal và giải thoát khỏi hệ thống y tế đang sụp đổ, hoặc muốn qua quốc gia thứ 3.
"Rất khó để chặn được toàn bộ lưu lượng người vượt qua biên giới" - Adhikari cho biết.
Những ngày gần đây, Nepal siết chặt lại quy định, chỉ cho phép người dân vượt qua biên giới ở 13 trên tổng số 35 trạm gác. Nhưng những ai trở lại sẽ phải làm xét nghiệm ngay tại biên giới - theo lời Shankar Bahadur Bista, trợ lý quận trưởng của quận Banke, giáp với Ấn Độ. Ai âm tính thì được về nhà, còn dương tính thì chuyển sang khu cách ly hoặc bệnh viện.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Sameer Mani Dixit, đây là những nỗ lực đã quá muộn, khi virus đã lây lan ở quy mô rất lớn rồi.
Những đám đông khổng lồ
Cơn khủng hoảng của Nepal bắt đầu từ đầu tháng 4/2021, khi có khá nhiều lễ hội tôn giáo được tổ chức tại Nepal và quanh vùng biên giới với Ấn Độ, trong đó có cả lễ hội tắm trên sông Kumbh Mela - thuộc những sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới. Trong số những người tham gia có cả cựu vương Nepal Gyanendra Shah và Nữ hoàng Komal Shah. Cả hai đều phải nhập viện điều trị Covid-19 khi trở về nước.
Cũng trong khoảng thời gian này, hàng ngàn người Nepal đã tụ tập ở thủ đô để chào mừng lễ hội tôn giáo Pahan Charhe. Theo sau là lễ hội Bisket Jatra ở thành phố Bhaktapur, bất chấp quy định của chính quyền địa phương ngăn cấm tụ tập. "Lễ hội này đáng giá hơn tính mạng của chúng ta" - trích trong một tờ tranh cổ động sự kiện.
Ngày 24/4, khi Nepal ghi nhận 2400 ca nhiễm mới, lại một đám đông nữa tụ tập trong buổi lễ khánh thành Dharahara - tòa tháp mới xây dựng để thay thế cho tòa bị phá hủy năm 2015 vì động đất.
Ngày 29/4, khi số ca nhiễm mới trong ngày tăng lên tới 4800, chính quyền Nepal quyết định ban hành lệnh phong tỏa 2 tuần tại thủ đô. Sau đó 1 ngày, Bộ Y tế và Dân số thừa nhận rằng mọi thứ đang trở nên quá tải.
"Số ca lây nhiễm tăng lên đã vượt quá tầm kiểm soát của hệ thống y tế, và khiến việc cung cấp giường bệnh trở nên khó khăn" - trích trong thông báo của bộ.
Thủ tướng Nepal K. P. Sharma Oli Oli hôm 3/5 cũng cho biết virus corona đã vượt quá tầm kiểm soát, bất chấp nỗ lực của chính phủ. "Khi chúng ta đang sống trong thế giới kết nối với nhau, đại dịch như vậy sẽ không chừa bất kỳ ai, và không ai an toàn cả" - ông nhận định.
Dẫu vậy, trong công chúng bắt đầu có những phản ứng tức giận vì hành động chậm trễ của chính phủ Nepal. Các chuyên gia cho biết, dù việc ngăn làn sóng dịch bệnh thứ 2 là rất khó, quốc gia này đáng lẽ vẫn có thể kiểm soát nó tốt hơn. Chẳng hạn như các lễ hội tôn giáo không nền được phép tổ chức, vì có thể khiến đại dịch trở nên tồi tệ.
Chuyên gia y tế Suresh Panthee - nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Bền vững Nepal còn nhận định, lý do một phần đến từ việc người Nepal đã trở nên khá tự mãn sau khi tránh được thảm họa chết chóc từ làn sóng dịch đầu tiên. Ngoài ra trong lúc các ca nhiễm gia tăng ở vùng biên giới, đáng lẽ cần phải chuẩn bị hệ thống cách ly tốt hơn. "Chúng ta có thời gian, nhưng lại không chuẩn bị gì cả."
Hệ thống y tế không theo kịp
Nepal nằm trong số các nước nghèo nhất thế giới, và điều này thể hiện ngay trong hệ thống y tế của họ. Theo thống kê của chính phủ Nepal từ tháng 5/2020, đất nước chỉ có 1595 giường chăm sóc tích cực (ICU) và 480 máy thở, trên tổng số 30 triệu dân.
Số bác sĩ ở đây cũng thiếu hụt, với chỉ 0,7 bác sĩ trên 100.000 người, còn thấp hơn cả Ấn Độ (0,9). Các nhân viên y tế nghỉ đã lâu giờ được yêu cầu trở lại giúp đỡ đất nước kìm hãm đại dịch, trong khi Quân đội Nepal cũng yêu cầu các quân y về hưu sẵn sàng quay lại chống dịch.
Ngày 1/5, 22 trên 77 quận của Nepal thiếu hụt giường bệnh. Bác sĩ ICU Paras Shrestha tại thành phố vùng biên Nepalgunj cho biết, bệnh viện nơi ông làm việc buộc phải khuyên những người bệnh có triệu chứng nhẹ tự điều trị và cách ly tại nhà. Tình cảnh của Nepalgunj đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Khi chứng kiến Ấn Độ vật lộn với làn sóng bệnh dịnh kinh hoàng, chính phủ Nepal cuối cùng cũng phải hành động. Họ đặt 20.000 bình oxy từ nước ngoài do nhu cầu oxy đã tăng gấp 3. Và trong ngày 4/5, Quân đội Nepal bắt đầu tiến hành mở rộng các cơ sở điều trị vùng biên giới giáp Ấn Độ, để ứng phó với lượng lớn người lao động trở về nước.
Nhưng những thách thức họ phải đối mặt là quá lớn. Tỷ lệ dương tính của Nepal hiện cao hơn gấp đôi so với Ấn Độ, cho thấy có rất nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Dù khả năng xét nghiệm đã được cải thiện rất nhiều so với làn sóng đầu tiên (thời điểm Nepal phải gửi mẫu bệnh phẩm sang Hong Kong để xét nghiệm), nhưng "mọi thứ vẫn là chưa đủ" - theo lời Panthee.
Hơn nữa, tỉ lệ tiêm chủng của Nepal vẫn đang là quá thấp. Cuối tháng 4/2021, chỉ 7,2% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine - thấp hơn Ấn Độ (10%).
"Tôi có thể nói chính phủ đã cố gắng hết sức. Nhưng hệ thống y tế của đất nước quá yếu và mong manh" - Adhikari từ Bộ Y tế chia sẻ.
Thảm họa nào sẽ xảy ra?
Vài tuần kế tiếp sẽ là khoảng thời điểm quan trọng đối với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Nepal. Ngày 29/4, chính phủ đã ban hành lệnh phong tỏa 2 tuần đối với thành phố Kathmandu. Nhưng trước khi lệnh có hiệu lực, nhiều lao động di cư đã kịp thời trở về nhà.
Các ngôi làng của Nepal có một lượng lớn người già trong khi khả năng chăm sóc y tế thì giới hạn. Điều này làm dấy lên nỗi sợ rằng lao động di cư có thể đưa virus đến tận các vùng hẻo lánh nhất. Dẫu vậy, lúc này vẫn còn là quá sớm để đánh giá sẽ có thêm các ổ dịch mới, theo lời Adhikari.
Nhà chức trách cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế sự lây lan. Từ ngày 6/5, toàn bộ các chuyến bay quốc tế tại Nepal đều bị cấm. Các đám đông cũng sẽ bị cấm tụ tập, tại 46/77 quận.
Bác sĩ Shrestha hy vọng rằng mọi người sẽ kiên nhẫn và tuân thủ quy định, để số ca nhiễm giảm xuống. Nhưng theo Tiến sĩ Dixit, việc các quy định thường xuyên thay đổi khiến cho công chúng khó lòng tuân thủ. Còn Panthee thì tin rằng chỉ một lần phong tỏa sẽ là không đủ, mà cần phải lần vết hiệu quả hơn, cách ly toàn bộ những ca nhiễm, kiểm soát tốt biên giới cùng một nguồn cung oxy đủ đầy.
Hơn nữa, việc phong tỏa sẽ đi kèm những cái giá phải trả. Gita Kuchikar - nhân viên lau dọn và là bà mẹ 3 con tại Kathmandu hiện đã mất việc vì lệnh phong tỏa này. Cô cũng đang rất lo lắng về việc học tập của các con.
"Tôi thấy sợ, vì Nepal lúc này đang khá giống Ấn Độ. Tôi không rõ có thể kiểm soát tình hình này hay không."
Các tuần kế tiếp cũng là thời điểm nhiều lễ hội tôn giáo đang tới, như Rato Macchidranath sẽ tổ chức trong tháng 5 gần Kathmandu. Dù nhà tổ chức cho biết sẽ áp dụng giãn cách xã hội và khẩu trang bắt buộc, nhưng lo ngại vẫn gia tăng. Gautam từ Bộ Y tế thì nhận định người dân có thể sẽ không tuân thủ lệnh phong tỏa vì các buổi lễ này.
"Chúng tôi thực sự quá mệt mỏi khi phải nhắc nhở họ tuân thủ quy định" - Gautam thở dài.
Theo J.D (Pháp luật & Bạn đọc)