Trung Quốc - Ấn Độ 'nín thở' dõi theo bất ổn ở Nepal

21/12/2020 09:59:57

Tổng thống Nepal hôm 20-12 quyết định giải tán quốc hội, dẫn đến hoài nghi về tương lai chính trị của một quốc gia có tầm quan trọng về mặt chiến lược mà Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu tranh giành sự ảnh hưởng.

Thủ tướng K.P. Sharma Oli trước đó đã kêu gọi giải tán hạ viện bất chấp sự phản đối từ đảng Cộng sản Nepal do ông lãnh đạo và các nhóm đối lập. Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari đã chấp nhận yêu cầu của ông Oli. Nepal dự kiến tổ chức cuộc tổng tuyển cử bắt đầu vào cuối tháng 4 năm sau, sớm hơn một năm so với kế hoạch (​​vào tháng 11-2022).

Thủ tướng Oli bị chính đảng của mình chỉ trích vì hiệu quả công việc không như mong muốn. Ông Oli được bầu làm thủ tướng lần thứ hai vào năm 2017 với cam kết ngăn chặn tham nhũng và củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, cũng như nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Oli đã phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng cùng những lời chỉ trích về cách ứng phó đại dịch Covid-19.

Trung Quốc - Ấn Độ 'nín thở' dõi theo bất ổn ở Nepal
Thủ tướng K.P. Sharma Oli. Ảnh: Reuters

Bằng cách giải tán hạ viện, ông Oli có thể tránh được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tiềm tàng từ các nhà lập pháp cũng như ngăn đối tác chính trị cũ của mình là ông Pushpa Kamal Dahal đe dọa vị trí thủ tướng. Ông Dahal hiện là đồng chủ tịch đảng Cộng sản Nepal và là người có công trong việc thành lập liên minh đảng dẫn đến chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2017.

Theo thỏa thuận được tiết lộ, các thành viên đảng thống nhất ông Dahal sẽ được chia sẻ quyền lực khi ông Oli giữ chức thủ tướng 2 năm. Các nhà lập pháp đã đề xuất tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Oli nhằm kêu gọi ông Dahal trở thành thủ tướng. Hôm 20-12, 7 trong số 25 bộ trưởng đã từ chức để phản đối quyết định giải tán quốc hội.

Bất ổn chính trị ở Nepal đang diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nepal từ lâu đã xoay chuyển sự ủng hộ qua lại giữa hai nước. Theo tờ The New York Times, Nepal có quan hệ kinh tế sâu rộng với Ấn Độ nhưng các mối quan hệ dần tồi tệ trong những năm gần đây.

Khi căng thẳng giữa Nepal với Ấn Độ gia tăng, Trung Quốc đã vào cuộc và bơm tiền vào Nepal. Chiến dịch đó đã được thúc đẩy vào năm 2017, thời điểm nhóm của ông Oli giành chiến tháng trong cuộc bầu cử. Tình trạng hỗn loạn hiện tại ở Nepal khiến những lợi ích nói trên của Bắc Kinh trở nên không chắc chắn.

Ông Ramesh Paudyal, một lãnh đạo của đảng Bibeksheel Nepal đối lập, cáo buộc Bộ trưởng Y tế Bhanu Bhakta Dhakal liên quan đến tham nhũng trong việc mua sắm thiết bị y tế từ Trung Quốc để ngăn đại dịch Covid-19.

Các nhà hoạt động và các hãng tin địa phương cho biết giá một số thiết bị y tế được mua từ Trung Quốc cao hơn nhiều so với giá thị trường. Cơ quan chống tham nhũng của Nepal đã vào cuộc điều tra vụ việc. Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ các cáo buộc.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)