Nepal sắp rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn Ấn Độ

20/05/2021 10:30:09

Khi sự chú ý của cả thế giới đang dồn vào Ấn Độ trong làn sóng COVID-19 thứ hai, nước láng giềng của Ấn Độ là Nepal cũng đang vật lộn trong cơn khủng hoảng khi hệ thống y tế đã vượt quá khả năng xử lý, các phòng chăm sóc tích cực chật kín người và bệnh viện chật vật tìm nguồn oxy.

Nepal sắp rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn Ấn Độ
Một phụ nữ ở Kathmandu ôm bình oxy cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Nhiều cơ sở y tế của quốc gia nghèo khó gồm 30 triệu dân đang từ chối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vì thiếu giường và thuốc điều trị. Các bác sĩ sợ rằng đợt bùng phát dịch bệnh lần này ở Nepal sẽ trở nên tồi tệ hơn ở Ấn Độ.

“Hệ thống y tế của chúng tôi đang rơi vào khủng hoảng. Có khoảng cách rất lớn giữa lượng cung và cầu oxy. Chúng tôi cũng không còn oxy nữa”, TS Samir Kumar Adhikari, phát ngôn viên Bộ Y tế Nepal, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí địa phương.

Khi làn sóng COVID-19 thứ hai bao trùm Ấn Độ và phần lớn các bang của nước này áp dụng biện pháp phong toả, các lao động di cư Nepal trở về nước, mang theo biến chủng B.16172 lây lan rất nhanh.

Biến chủng đó giờ chiếm tới gần 100% số ca mắc COVID-19 ở Nepal, theo số liệu của Bộ Y tế nước này. Khi có đến 400.000 lao động sẽ trở về nước trong những tuần tới, chỉ những người có triệu chứng mới được sàng lọc vì tình trạng thiếu thiết bị xét nghiệm.

Giống như các quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ, Nepal có vẻ đã tự mãn sau khi khống chế được làn sóng COVID-19 đầu tiên, khiến họ tin rằng dịch bệnh đã bị đánh bại.

Những lễ cưới, lễ hội tôn giáo và tập trung chính trị đông người càng khiến virus lây lan nhanh. Thủ tướng K.P. Sharma Oli đang bị chỉ trích là chỉ chú trọng cuộc chơi chính trị quyền lực mà phớt lớt tình trạng số ca bệnh bùng nổ.

Những yếu tố đó kết hợp lại để tạo nên thảm họa. Ngày 18/5, Nepal có 8.136 ca mắc mới chỉ trong vòng 24 giờ, cao gấp 65 lần so với thời điểm cách đây 2 tháng, theo số liệu thống kê của chính phủ. Bên cạnh đó, nước này có thêm 196 người chết vì COVID-19.

Nepal đã có tổng số 472.000 ca mắc và 5.400 trường hợp tử vong, nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Chính phủ Nepal đang giới hạn số lượng bình oxy cung cấp cho mỗi bệnh viện để bảo đảm phân phối công bằng, dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện từ chối nhận bệnh nhân mới.

“Chúng tôi có bác sĩ và y tá để chăm sóc bệnh nhân, nhưng không đủ nguồn cung oxy”, bệnh viện tư nhân Om ở thủ đô Kathmandu cho biết.

Bình thường, Nepal trông cậy vào Ấn Độ để có oxy, nhưng giờ đây Ấn Độ còn chưa lo đủ cho chính mình.

Ấn Độ cũng đã dừng xuất khẩu vắc-xin để giải quyết nhu cầu trong nước, khiến Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác chật vật tìm nguồn thay thế và trông chờ vào sáng kiến COVAX của Liên Hợp quốc.

“Tình huống không thể tránh khỏi là Trung Quốc đang cố lấp đầy khoảng trống về hỗ trợ y tế mà Ấn Độ để lại. Điều này đang được cảm nhận ở các quốc gia láng giềng của Ấn Độ”, Samar S.J.B. Rana, một nhà nghiên cứu tại Viện phát triển hợp nhất Nepal, đánh giá.

Trung Quốc cung cấp cho Nepal 800.000 liều vắc-xin Sinopharm trong tháng 3, nhưng năng lực sản xuất vắc-xin của Trung Quốc vẫn không thể bằng Ấn Độ và Trung Quốc cũng phải tiêm chủng cho 1,4 dân của mình.

Xinhua đưa tin rằng 25.000 bình oxy từ các hãng tư nhân của Nepal đã được đưa đến biên giới giữa hai nước hôm 17/5, cùng với những thiết bị y tế do Trung Quốc sản xuất như thiết bị bảo hộ cá nhân và giường chăm sóc tích cực. Đại sứ Trung Quốc tại Nepal Hou Yanqi nói hôm 11/5 rằng Bắc Kinh tặng 400 bình oxy và 10 máy thở cho Kathmandu, cùng với 170 máy nén oxy do công ty Trung Quốc Hongshi Shivam Cement trao tặng.

Nhưng có rất nhiều khó khăn về hậu cậu trong quá trình vận chuyển bình oxy từ Trung Quốc sang Nepal vì địa hình trắc trở khiến chúng dễ nổ. Đó là lý do Nepal cần nguồn oxy từ Ấn Độ hoặc tự sản xuất.

Là người thân Ấn Độ, Thủ tướng Nepal Oli đang chiến đấu vì sinh mệnh chính trị của mình sau khi thua trong cuộc bầu cử quốc hội trong tháng này. Ông Oli vẫn hy vọng chính phủ Ấn Độ sẽ cung cấp oxy và thiết bị y tế cho Nepal. Bất kỳ sự hỗ trợ y tế nào từ Ấn Độ cho Nepal cũng sẽ tăng cường quan hệ song phương vốn rơi xuống mức xấu từ năm 2015, khi Ấn Độ áp lệnh phong toả không chính thức đối với quốc gia láng giềng.

Bà Sara Beysolow Nyanti, điều phối viên của Liên Hợp quốc ở Nepal, nói rằng tình cảnh hiện nay ở Nepal khiến bà “đau lòng”, sau khi bà đến thăm các bệnh viện và chứng kiến hàng loạt bệnh nhân nằm đầy hành lang và sân. Bà nói rằng tình cảnh của Nepal không được quan tâm vì chú ý đang dồn vào Ấn Độ.

“Nepal đang bị đánh rơi trong những cuộc nói chuyện trên toàn cầu về COVID-19. Đây là quốc gia nghèo nhất trong các nước nghèo, là nước thiệt thòi nhất thế giới”, bà nói.

Theo Bình Giang (Tiền Phong)