Đây là lần đầu tiên Phần Lan và Thụy Điển – hai thành viên mới của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cùng tham gia một cuộc diễn tập gần Moscow, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng khu vực.
Cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 31/5, với sự tham gia của khoảng 7.000 binh sĩ và nhân viên quân sự đến từ các nước NATO, bao gồm cả Anh và Thụy Điển. Theo NATO, mục tiêu chính của hoạt động này là huấn luyện tác chiến hỏa lực gián tiếp, sử dụng trực thăng tấn công và triển khai thiết bị bay không người lái (UAV) tại khu vực phía Bắc – một vùng chiến lược nhạy cảm nằm sát biên giới Nga.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Nga không cho rằng đây chỉ đơn thuần là một cuộc huấn luyện. Chuyên gia quân sự Vadim Kozyulin cho biết NATO đang tận dụng các bài học rút ra từ xung đột ở Ukraine để nâng cao năng lực chiến đấu.
"Họ nhận ra UAV hiện tại đã lỗi thời trước tốc độ phát triển công nghệ trong chiến dịch của Nga. Ukraine đã trở thành bãi thử cho vũ khí hiện đại và giờ NATO cũng phải bắt kịp", ông Kozyulin nhận định.
Phần Lan và Thụy Điển từng được biết đến với chính sách trung lập trong lịch sử, duy trì mối quan hệ thân thiện với Nga trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cả hai nước từ bỏ lập trường trung lập và gia nhập NATO, một bước ngoặt gây tranh cãi trong quan hệ Đông – Tây.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ordzhonikidze đặt câu hỏi: “Họ được gì khi gia nhập NATO? Chẳng gì ngoài việc phải tuân theo ý chí chính trị và quân sự của khối. Điều đó không củng cố mà còn làm suy yếu an ninh quốc gia của họ”. Ông cũng cảnh báo rằng mọi hành động thù địch nhằm vào Nga sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng.
Trong tuyên bố chính thức, NATO khẳng định cuộc tập trận chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Tuy nhiên, với quy mô lớn và địa điểm nhạy cảm, Moscow tỏ ra đặc biệt cảnh giác. Ông Kozyulin nhấn mạnh: “NATO nói phòng thủ, nhưng các bài tập của họ bao gồm những hành động tương đương với tấn công. Nga không thể xem nhẹ điều đó”.
Giới phân tích cho rằng cuộc tập trận NATO tại Phần Lan không chỉ là hành động quân sự, mà còn là thông điệp chiến lược gửi tới Moscow trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Vũ Linh (Pháp luật & Xã hội)