Nguồn tin cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rất tức giận và quyết định rút 40 binh sĩ nước này khỏi cuộc diễn tập được tổ chức tại thành phố Stavanger của Na Uy hôm 17/11. Nguyên nhân là do tên ông cũng như hình ảnh người lập quốc Mustafa Kemal Ataturk bị liệt vào hàng ngũ kẻ thù.
"Không thể có sự đoàn kết, mối quan hệ đồng minh nào như vậy", ông Erdogan phát biểu trước các lãnh đạo đảng cầm quyền địa phương sau vụ việc. Sự cố đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn dĩ không êm ấm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Một quan chức NATO giấu tên nói với Tân Hoa xã rằng 2 sự vụ riêng lẻ lần lượt xảy ra vào ngày 15 và 16/11. Vụ đầu tiên là một nhân viên kỹ thuật dùng một tấm hình tượng ông Ataturk trên mạng và sử dụng nó cho nội dung "tiểu sử lãnh đạo phía địch" trong bài diễn tập trên máy tính.
Vụ thứ hai là một người được phía quân đội Na Uy thuê đã tạo một tài khoản giả với tên đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trên mạng nội bộ NATO. Người này đã đăng những bình luận mang tính chống lại NATO trên tài khoản giả này để cho thấy "ông Erdogan" hợp tác với kẻ thù. Sau vụ việc, phía Na Uy đã đuổi việc người này.
"Tôi xin lỗi vì lỗi lầm này", Tổng thư ký NATO Jens Stotenberg nói trong một thông cáo. Ông nhấn mạnh vụ việc là kết quả của "hành động mang tính cá nhân" và không phản ánh quan điểm của NATO.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quý báu của NATO, với những đóng góp quan trọng cho an ninh đồng minh", ông Stotenberg nói, đồng thời cho biết thẩm quyền xử phạt thuộc về phía Na Uy.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen sau đó cũng lên tiếng xin lỗi về sự cố. "Những thông tin được đăng tải không phản ánh quan điểm hay chính sách của Na Uy và tôi xin lỗi vì nội dung của những thông tin này", ông nói.
Hồi tháng 3, chính phủ Na Uy từng khiến Ankara tức giận vì trao tư cách tị nạn cho 5 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Na Uy. Những người này không muốn quay về nước sau vụ đảo chính thất bại nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan vào tháng 7/2016.
Hồi đầu tháng 9, Business Insider cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất việc mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf do Nga sản xuất. Việc một quốc gia thành viên NATO nhập khẩu vũ khí do Nga sản xuất gây ra mối lo ngại cho các nước trong khối, giáng một đòn mạnh vào niềm tin của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)