Theo hãng tin AP, hôm 11-10 NASA đã công bố kết quả "thử nghiệm cứu thế giới" DART, cho biết tàu cảm tử của họ đã khoét một miệng hố va chạm sâu vào tiểu hành tinh Dimorphos ngay trong ngày 26-9 khi vụ đâm tàu xảy ra, khiến nó mọc một chiếc đuôi đá bụi lớn như sao chổi, kéo dài vài ngàn dặm.
"Sứ mệnh này cho thấy NASA đang cố gắng sẵn sàng cho bất cứ điều gì vũ trụ ném vào chúng ta" - Tổng Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết trong một cuộc họp ngắn tại trụ sở của cơ quan vũ trụ ở Washington - Mỹ.
Dimorphos hay còn gọi là Didymoon, cái nhỏ hơn trong cặp đôi Didymos - Dimorphos và đóng vai trò như mặt trăng của tiểu hành tinh lớn. Chúng không thực sự gây nguy hiểm cho Trái Đất nhưng đã được NASA lựa chọn cho thử nghiệm vì nhiều yếu tố lợi thế.
Trước khi va chạm, tiểu hành tinh mất 11 giờ 55 phút để quay quanh tiểu hành tinh mẹ của nó. Các nhà khoa học đã dự đoán DART sẽ rút ngắn quỹ đạo này 10 phút, nhưng ông Nelson cho biết nó đã rút ngắn tận 32 phút. Nếu một tiểu hành tinh dự định lao vào Trái Đất thì một chút chệch quỹ đạo như vậy dư sức khiến nó trật mục tiêu.
Giám đốc khoa học hành tinh của NASA Lori Glaze cho biết: "Tất cả chúng ta hãy dành chút thời gian để đắm mình trong điều này... lần đầu tiên nhân loại đã thay đổi quỹ đạo của một thiên thể".
Các nhà khoa học của nhóm cho biết số lượng mảnh vỡ dường như đóng một vai trò trong kết quả. Dimorphos đã vỡ rất nhiều khiến cuộc thử nghiệm thành công ngoài mong đợi.
Trong bức ảnh được tờ Space đăng tải, tiểu hành tinh Dimorphos xấu số thậm chí biến hình hoàn toàn. Nó trông như một sao chổi xanh ma quái, mọc đuôi dài và tỏa hào quang, điều thể hiện rõ ràng cú va chạm của tàu DART đã gây tác động kinh khủng đến chừng nào.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)