Umm Mizrah đang có thai và chỉ nặng 38 kg. Cô phải nhịn đói để những đứa con khác được ăn, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ.
Cuộc xung đột 3 năm qua ở Yemen đã đẩy hàng triệu người vào nạn đói và những người mẹ như Mizrah trở thành "thành lũy" trong cuộc chiến chống lại cái đói. Họ bỏ bữa, cố ngủ để quên cơn cồn cào trong bụng. Họ che giấu khuôn mặt xương xẩu và cơ thể gầy còm đằng sâu tấm mạng che mặt và bộ váy đen.
Cậu bé trên tay Mizrah chỉ nặng 5,8 kg dù đã 17 tháng tuổi, tức 1/2 cân nặng trung bình của một đứa trẻ cùng lứa. Đứa bé có tất cả dấu hiệu của tình trạng "suy dinh dưỡng cấp nghiêm trọng", giai đoạn nguy kịch nhất của việc bị bỏ đói. Chân cậu sưng phù vì không có đủ protein.
Có khoảng 2,9 triệu phụ nữ và trẻ em Yemen đang suy dinh dưỡng nghiêm trọng, 400.000 trẻ em khác đang vật lộn để giành lấy sự sống.
Những em bé chết trên tay mẹ
Những gì còn lại của Fadl là những phút cuối cùng trong đời cậu bé. Fadl chết vì đói khi 8 tháng tuổi và đoạn video được một bác sĩ ghi lại, cha mẹ cậu bé không có điện thoại.
Hai chân cậu bé run lên vì đau. Cậu bé khóc nhưng cơ thể khô khốc không cho ra giọt nước mắt nào. Bụng cậu phình lên như một quả bóng. Xương lộ ra sau lớp da ở ngực. Cha mẹ Fadl nhuộm đầu cậu bằng mực từ cây lá móng, một phương thức dân gian để trị bệnh.
Fadl đã ra đời giữa cơn loạn lạc. Mẹ cậu, Fatma Halabi, đang mang thai 8 tháng khi bà cùng chồng và hàng nghìn người khác trốn khỏi khu vực họ sống, nơi lực lượng chính phủ đang tấn công vào Houthi.
Bà lạc mất chồng, dắt theo 4 đứa trẻ và 2 con dê đi băng qua vùng Đại Thung lũng để tiến về thành phố Mocha ở Biển Đỏ. Trong quá khứ, đó từng là vùng đất của chết chóc. 400 năm trước, một nhà cai trị Hồi giáo đã gửi những người Do Thái tại Yemen không chịu cải đạo đến đây lưu đày. 2/3 số đó đã chết vì nóng và cuộc sống thiếu thốn.
Halabi và các con của cô núp dưới một bụi cây gai để tránh những làn pháo và không kích. Vào một ngày tháng 4/2017, cô sinh ra Fadl dưới một gốc cây.
Halabi gặp lại chồng, họ ở lại một căn lều trong thung lũng. Cô đói đến độ không thể cho Fadl bú, cậu bé phải uống sữa dê hoặc lạc đà. Cậu bé liên tục sốt và tiêu chảy, còn người mẹ phải liên tục mượn tiền để đưa cậu đến bệnh viện tại Mocha.
Lần cuối Fadl được đưa đến bệnh viện là ngày 29/11/2017. Cậu bé 8 tháng chỉ nặng 2,9 kg, 1/3 trọng lượng trung bình cho độ tuổi đó. Chu vi phần trên cánh tay chỉ có 7 cm, dấu hiệu của suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Cha mẹ đưa Fadl về nhà sau đó vì không thể trả nổi chi phí nằm viện. Không lâu sau đó, cậu bé trút hơi thở cuối cùng trên tay bà mình, trong lúc cha mẹ cậu ngủ thiếp đi vì kiệt sức.
Người bà đánh thức 2 đứa con dậy, nói với họ rằng cậu bé đã chết.
Bệnh viện tại Mocha đã chứng kiến 600 ca suy dinh dưỡng trong 10 tháng qua nhưng họ thậm chí không có thuốc giảm đau, bác sĩ Abdel-Rehim Ahmed cho biết. Họ thậm chí không có bác sĩ nào được đào tạo để chữa suy dinh dưỡng.
Những cơ thể suy dinh dưỡng, thiếu carbohydrates, chất béo và protein, bắt đầu tự ăn chính nó. Não bộ không có năng lượng, tim đập chậm, da nứt nẻ và cơ thể dễ nhiễm khuẩn. Gan và thận bắt đầu hoạt động kém, chất độc dồn nén trong cơ thể và chu trình bệnh tật bắt đầu.
Một "quang cảnh khốn cùng"
AP miêu tả cảnh tượng ở miền Nam Yemen, nơi đang được lực lượng chính phủ kiểm soát, và một số khu vực trên khắp nước mà Liên Hợp Quốc cảnh báo là dễ rơi vào nạn đói nghiêm trọng là một "quang cảnh của sự khốn cùng".
Hãng tin này cho biết 1/3 dân số Yemen, tức 8,4 triệu người trên tổng số 29 triệu, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ lương thực, nếu không họ sẽ chết đói. Ngày càng có nhiều người phụ thuộc hơn trong khi lương thực đã và đang không đến được tay người cần. Các cơ quan cứu trợ cảnh báo rằng nhiều khu vực tại Yemen sắp chứng kiến hàng loạt các chết vì đói.
Không có con số chính thức về số người chết vì chính quyền không thể thống kê. Tổ chức Save The Children ước tính khoảng 50.000 trẻ em đã chết vì đói hoặc vì bệnh tật vào năm 2017.
"Không may thay, Yemen bây giờ là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới", AP dẫn lời Stephen Anderson, giám đốc phụ trách Yemen của Chương trình Lương thực Thế giới. Có 18 triệu người không biết phải tìm bữa ăn tiếp theo ở đâu.
Trước khi cuộc xung đột nổ ra, Yemen đã là nước nghèo nhất trong khối Arab và phải chật vật để có đủ lương thực. Đất nước này chỉ toàn sa mạc và đồi núi, nguồn nước đang thu hẹp chỉ cho phép canh tác trên 2-4% đất đai và hầu hết lương thực phải nhập khẩu.
Khi cuộc xung đột nổ ra, các máy bay của liên quân, chống lại lực lượng nổi dậy Houthi, đã ném bom vào các trường học, bệnh viện, nông trại, nhà xưởng, cầu đường. Những khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm đóng bị "cấm cửa" tất cả các đường giao thông, buôn bán, trong đó có cảng Biển Đỏ ở Hodeida, đường vào của 70% hàng hóa nhập khẩu vào Yemen.
Các tàu của liên quân trấn giữ ngoài khơi và chỉ cho các tàu chở hàng cứu trợ do Liên Hợp Quốc kiểm soát cùng các tàu thương mại có phép vào cảng, và việc này thường bị đình trệ.
Chính phủ Mỹ hậu thuẫn cho cuộc chiến của liên quân, do Saudi Arabia dẫn đầu, nhắm vào lực lượng nổi dậy. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đã cung cấp gần 845 triệu USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen.
Ở nhiều nơi, thức ăn vẫn được bày bán trong chợ, nhưng người dân không mua được. Họ không được trả lương, việc làm khó khăn trong khi hệ thống tiền tệ đã sụp đổ.
Trở lại với Mizrah, cô và chồng có 4 đứa con, cùngđứa trẻ cô đang mang trong bụng. Họ chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thường chỉ có bánh mì và trà. Cô run lên khi bác sĩ nói rằng suy dinh dưỡng có thể giết chết đứa bé cô đang bế.
"Tôi không biết phải làm sao", cô nói nhỏ. "Nó nghịch ngợm và khỏe mạnh, rồi bỗng ngã bệnh, ngưng bú và chơi".
Vết đốt của thuốc lá vẫn còn hiện trên bụng cậu b3s. Đó là khi người cha cảm thấy tuyệt vọng với bệnh tật, ông dùng lửa dí vào để "trục xuất linh hồn ma quỷ" khỏi cậu con trai.
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)