Truyền thông Nhật đưa tin tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc sản xuất có thể được bố trí ở biển Đông, trong bối cảnh tình hình khu vực Tây Thái Bình Dương "nóng" lên.
Hãng Nikkei (Nhật Bản) hôm 24/8 đưa tin, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh có thể hạ thủy trong năm nay và nhiều khả năng được bố trí tại cảng quân sự ở đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Tuy nhiên, tàu này sau khi hạ thủy vẫn cần thêm một vài năm để lắp đặt trang thiết bị cùng khí tài cho hoạt động thực chiến.
Thiếu tướng Trung Quốc Doãn Trác trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã tuyên bố, nếu không sở hữu tàu sân bay của riêng mình, Bắc Kinh khó lòng "bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng" ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Tờ La Croix (Pháp) ngày 23/8 đăng tải bài bình luận gọi các vấn đề trên biển của Trung Quốc "giống như một thùng thuốc súng". Việc Bắc Kinh liên tục gây hấn với các nước láng giềng trong thời gian qua đã làm tăng nguy cơ bùng phát xung đột quân sự cục bộ trong vài năm tới.
Chuyên gia Valérie Niquet, người phụ trách bộ phận châu Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp cho đánh giá, các vùng biển xung quanh Trung Quốc đã trở thành "sàn đấu" của một cuộc chạy đua vũ trang và gây ảnh hưởng cả tới khu vực Nam Á.
Ở biển Đông, Bắc Kinh, các vụ xung đột đã xảy ra liên tiếp giữa lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu cá các nước láng giềng như Philippines, Indonesia...
Theo La Croix, "hành động của Trung Quốc" khiến cả châu Á lo ngại về khả năng bùng phát xung đột trên tuyến hàng hải thương mại huyết mạch toàn cầu này.
Ba thế hệ máy bay ném bom B-1, B-2, B-52 của quân đội Mỹ lần đầu cùng tham gia tập luyện tác chiến ở khu vực biển Đông và Đông Bắc Á. (Ảnh: Huanqiu) |
Trong khi đó, Báo Giải phóng quân - cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc, ngày 25/8 hung hăng tuyên bố tình hình xung quanh Trung Quốc "rất nghiêm trọng", đồng thời hô hào nước này "cần phải có vũ khí sát thủ để chống lại kẻ địch".
Ngay trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết vụ kiện biển Đông hôm 12/7, Hải quân Trung Quốc đã huy động hàng trăm tàu chiến từ 3 hạm đội tổ chức tập trận quy mô lớn ở biển Đông để phản ứng.
Hơn 2 tuần sau, trong ngày kỷ niệm thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 1/8, 3 hạm đội của Hải quân Trung Quốc tiếp tục tổ chức tập trận rầm rộ ở biển Hoa Đông.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, đích thân giám sát cả 2 cuộc tập trận và tuyên bố "Trung Quốc đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ thách thức xâm phạm quyền lợi nào".
Truyền thông Trung Quốc cũng lên tiếng rằng các động thái của PLA nhằm trả đũa việc Mỹ triển khai hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan thực hiện nhiệm vụ tự do hàng hải ở biển Đông, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II.
Song song với các hành động của Hải quân, Không quân Trung Quốc tiến hành hàng loạt vụ cho máy bay chiến đấu tuần tra trên biển Đông, bao gồm máy bay ném bom H-6K và tiêm kích SU-30, với ý đồ "thường thái hóa" hoạt động này.
Theo Báo Giải phóng quân, "thường thái hóa" tuần tra bằng máy bay trên biển đồng nghĩa với PLA "đã có thêm một nhiệm vụ không gì ngăn cản được, giống như lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông".
Bình luận của tờ báo quân đội Trung Quốc làm dấy lên lo ngại của dư luận quốc tế về việc nước này thực sự xúc tiến âm mưu thiết lập ADIZ trên biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, tình hình biển Đông không loại trừ khả năng xung đột phát sinh ở biển Đông, bất kể ở quy mô lớn hay cục bộ - tờ La Croix nhận định.
Theo Hải Võ (Thế Giới Trẻ/Infonet.vn)