Thực trạng này là do tình trạng lạm phát phi mã tiếp tục và đồng tiền mất giá nhanh chóng khiến người dân thiếu thốn cả lương thực lẫn thuốc men. Báo chí của Venezuela đã phản ánh tình trạng hỗ loạn ở phía bắc và phía đông đất nước vùng nam Mỹ này.
Tình hình tệ hại nhất đang diễn ra tại bang Aragua nơi lực lượng chức năng thậm chí không ngăn cản được vụ cướp cả thùng hàng xe tải ngay trước mặt mình.
Ở Guayana, phía đông Venezuela, lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông tấn công một siêu thị và cướp đồ giữa ban ngày ban mặt.
Những câu chuyện như vậy xuất hiện trên truyền thông Venezuela mỗi ngày, đặc biệt từ dịp tết cuối năm 2017 vừa qua và kéo dài đến nay. Vấn đề là người dân không có ý lên án những kẻ cướp ngày đó mà còn thể hiện sự thông cảm.
Ông Haydee Chirinos sống tại TP Punto Fijo, thuộc bang Falcon, ở phía đông Venezuela, một nơi cũng đang chịu cảnh cướp bóc giữa ban ngày, chia sẻ: "Một ký thịt đắt hơn cả lương tháng của công nhân và giá cả có thể tăng thêm chỉ sau vài giờ. Vậy nên rất khó mua được thực phẩm và lại thêm cảnh không có hàng hoặc có rất ít".
Ông Chirinos khẳng định rằng tại nơi ông sống thậm chí tìm không ra thịt heo, thịt gà. "Những người không tìm được cái ăn thì đành phải đi cướp bóc thôi", ông Chirinos tỏ ra thông cảm với những người đang làm việc sai.
Quĩ Tiền tệ Quốc tế dự báo lạm phát ở Venezuela có thể lên đến 2 300 % trong năm 2018.
Một ký thịt đắt hơn cả lương tháng của công nhân và giá cả có thể tăng thêm chỉ sau vài giờ"
Ông Haydee Chirinos sống tại TP Punto Fijo - một nơi cũng đang chịu cảnh cướp bóc giữa ban ngày
Chính quyền Caracas dường như đang loay hoay tìm cách gỡ, nhưng chưa có biện pháp nào hữu hiệu. Hôm 5-1, chính quyền đành ban hành lệnh hành chính buộc các siêu thị tư nhân phải hạ giá hàng hóa bán ra. Rồi từ đầu năm mới, chính quyền cũng cho nâng lương tối thiểu lên thêm 40%.
Nhưng tất cả những điều đó cũng như hạt cát bỏ biển. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro thường đổ lỗi tình cảnh tệ hại tại đất nước mình cho sự phá hoại mang tính câu kết của phe đối lập với Mỹ thông qua các biện pháp cấm vận kinh tế nhằm bóp chết nền kinh tế của đất nước Nam Mỹ này.
Trong một biện pháp được cho là nhằm thoát khỏi sự thao túng tiền tệ của "thế lực thù địch", chính quyền Caracas đã nêu kế hoạch phát hành đồng tiền điện tử Petro định giá trên cơ sở nguồn dự trữ dầu khí dồi dào, nguồn vàng và kim cương.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, Giám sát viên kế hoạch phát hành đồng tiền điện tử Petro của Chính phủ Venezuela Carlos Vargas dự báo nước này có thể thu về khoảng từ 20 triệu tới 200 triệu USD. Theo ông Vargas, hiện đã có khoảng 52.000 người đăng ký mua Petro thông qua Cơ quan thống kê điện tử khoáng sản quốc gia.
Việc phát hành đồng tiền này sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế, củng cố hệ thống tín dụng và an sinh xã hội và giúp Venezuela đối phó với cuộc chiến tranh kinh tế do các thế lực thù địch đang âm mưu chống phá nước này gây ra.
Hôm 5-1 vừa qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẽ phát hành 100 triệu đồng Petro với mệnh giá 1 Petro tương đương giá trị của một thùng dầu thô giao bán ở mức 59,06 USD. Nếu được chính thức phát hành thì đây sẽ là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới do một chính phủ phát hành.
Hôm 8-1, Chính phủ Venezuela đã đề xuất một loạt phương án cho Ngân hàng Trung ương (BCV) nhằm triển khai hệ thống đổi tiền "mới" và "đáng tin cậy" hơn.
Bộ trưởng Nông nghiệp Wilmar Castro Soteldo cho biết hệ thống giao dịch tiền mới có tên là Divisa Complementaria (Dicom) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị tư nhân có thể tham gia hoạt động đổi tiền.
Dicom sẽ vẫn bao gồm những biện pháp kiểm soát giống như hệ thống cũ nhưng có thêm những đặc tính khác, linh hoạt nhất có thể giúp các đồng ngoại tệ vào thị trường nước này, dành cho cả khu vực cá nhân và doanh nghiệp.
Thống đốc BCV Ramon Lobo cho biết sẽ công bố chi tiết về hệ thống Dicom mới trong những ngày tới.
Hiện có tới 96% lượng ngoại hối đổ về thị trường Venezuela là từ hoạt động buôn bán dầu mỏ. Từ năm 2016, quốc gia này đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tiền tệ, theo đó áp dụng tỉ giá hối đoái kép. Một tỉ giá được kiểm soát chặt hơn dành cho các hoạt động mua bán thực phẩm chiến lược và nhập khẩu thuốc của chính phủ trong khi một tỉ giá khác linh hoạt hơn dành cho hoạt động của các công ty tư nhân cũng như các cá nhân.
Việc triển khai hệ thống đổi tiền mới được đưa ra trong bối cảnh khan hiếm ngoại tệ trầm trọng do giá dầu thế giới lao dốc khiến nguồn thu của Venezuela vốn dựa vào xuất khẩu dầu mỏ này trở nên vô cùng hạn hẹp.
Theo Tổng thống Maduro, với quyết định cho ra đời đồng tiền điện tử trên, Venezuela đang nỗ lực giải quyết việc tự chủ tài chính, tiền tệ trên thị trường quốc tế và đối phó với các chính sách bao vây, cấm vận cũng như cuộc chiến tranh kinh tế do Mỹ và các thế lực cánh hữu thù địch tiến hành nhằm chống phá nước này.
Hiện Chính phủ Venezuela đang triển khai việc thành lập một chuỗi khối (Blockchain) với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, tiền tệ và pháp lý để xây dựng cơ sở và nền tảng vững chắc cho các hoạt động của đồng Petro.
Theo Tường Nguyễn (Tuổi Trẻ)