Nam nghị sĩ Nhật Bản đeo bụng bầu giả để thấu hiểu nỗi khổ của phụ nữ

12/04/2021 09:37:22

Sau hai ngày đeo bụng bầu giả nặng hơn 7kg và sinh hoạt như bình thường, bao gồm đi tàu điện ngầm, mua sắm, làm việc nhà, ba nam nghị sĩ Nhật Bản đã thấu hiểu cảm giác khó khăn và nỗi vất vả của người phụ nữ khi mang bầu.

Theo Kyodo News, thời gian duy nhất mà các nghị sĩ này không phải mang theo chiếc bụng lớn trước mặt là khi tham gia phiên họp toàn thể của chính phủ.

“Đứng, ngồi, nhìn lại phía sau và tất cả các hoạt động thường ngày khác đều gây ra đau đớn. Thực sự những thứ này rất nặng”, một trong ba nghị sĩ bày tỏ khi mới chỉ một ngày “mang bụng bầu”.

Đây là một sáng kiến thử nghiệm do Takako Suzuki – một nhà lập pháp nữ – đề xuất với mục đích giúp các quan chức chính phủ là nam giới hiểu rõ những khó khăn, vất vả mà người phụ nữ phải đối mặt trong thai kỳ. Nhà lập pháp Suzuki cho biết bà muốn thử nghiệm để các nhà hoạch định chính sách mang bầu có thể trải nghiệm một số khó khăn mà phụ nữ mang thai phải đối mặt và giúp tạo ra một xã hội an toàn hơn.

Việc mang thai và nuôi con ở bất cứ quốc gia nào cũng rất vất vả, song tại Nhật Bản, nạn quấy rối ở nơi làm việc và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai phổ biến đến mức người Nhật có hẳn cho tình trạng này một cụm từ là “matahara”.

Nam nghị sĩ Nhật Bản đeo bụng bầu giả để thấu hiểu nỗi khổ của phụ nữ
Các quan chức nam cảm thấy mệt mỏi và bất tiện khi đeo chiếc bụng bầu giả nặng hơn 7kg. Ảnh: Masanobu Ogura 

Rie Nakamura - một người mẹ có con trai 6 tháng tuổi sống ở Osaka - cho biết mặc dù bị ốm nghén nặng trong những tháng đầu của thai kỳ và thường xuyên lo lắng về việc sảy thai, cô cảm thấy rất khó nói những vấn đề đó với quản lý.

“Rất khó nói về việc mang thai, mà tôi cũng khó tập trung cho công việc. Vì vậy, tôi đã phải chịu đựng cảm giác tồi tệ”, Rie chia sẻ. Thậm chí, trong lúc mang thai, Rie thường xuyên bị đồng nghiệp nam trêu chọc bụng bầu hoặc cố tình đụng vào người cô.

Masanobu Ogura - một trong ba quan chức mang bụng bầu giả - cho biết: "Qua bằng trải nghiệm và mường tượng những cơn đau khác nhau mà phụ nữ mang thai phải trải qua, tôi có thể giúp chia sẻ một số khó khăn đối với người phụ nữ”.

Tuy nhiên, cô Asako Niihara - một nhà tư vấn nghề nghiệp trong độ tuổi 30 - gọi cuộc thử nghiệm trên không khác gì một “màn trình diễn” nếu các nhà chức trách không hành động để hỗ trợ phụ nữ mang thai.

“Ở Nhật Bản, có rất nhiều phụ nữ mang thai không thể ăn uống đúng cách và cần được hỗ trợ tốt hơn. Những quan chức chính phủ này không nên chỉ tham gia vào một cuộc thử nghiệm mang thai mà họ còn phải làm hơn thế nữa để có thể giúp đỡ thực sự”, Asako nhấn mạnh.

Rie cho biết việc chỉ mặc những chiếc áo khoác bụng bầu kia không thấm vào đâu so với quá trình mang thai thực sự.

“Các triệu chứng mang thai không chỉ bao gồm ốm nghén và có thêm vật nặng ở trước bụng, mà nó còn kéo theo các bệnh mãn tính, đi tiểu thường xuyên làm gián đoạn giấc ngủ và đau vùng chậu. Ngoài ra, mặc dù tôi đã sinh con cách đây nửa năm nhưng lần sinh nở của tôi đe dọa đến tính mạng và kèm theo những cơn đau không thể diễn tả được”, người mẹ trẻ giải thích.

“Tôi hy vọng rằng sau cuộc thử nghiệm này, các nhà lập pháp nam sẽ ban hành chính sách giải quyết các vấn đề xung quanh việc sinh con, chăm sóc sau khi sinh, chăm sóc trẻ em, tình trạng chênh lệch giới tính và nghèo đói ở phụ nữ. Chính phủ chưa bao giờ tích cực giải quyết những vấn đề này và chúng ta luôn đi sau các quốc gia khác”, Rie kết luận.

Theo Bảo Hà (Báo Tin Tức)