Theo Aljazeera, các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp vũ khí khủng cho Ukraine sau yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, nhằm duy trì quyền kiểm soát "điểm nóng giao tranh" Bakhmut.
Mỹ và các đồng minh phương Tây công bố gói viện trợ mới cho Ukraine hôm 3-2, sau phát biểu của ông Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU ở Kiev: "Chúng tôi sẽ không đầu hàng ở Bakhmut. Nếu vũ khí tầm xa được chuyển giao nhanh chóng, chúng tôi không những không rút khỏi Bakhmut mà ngược lại sẽ giải phóng Donbas" - ông Zelensky nói về khu vực ở miền Đông Ukraine.
Mỹ đã công bố gói vũ khí và đạn dược mới trị giá 2,2 tỉ USD. Lầu Năm Góc cho biết trong gói viện trợ quân sự mới Mỹ dành cho Ukraine có Bom đường kính nhỏ Phóng từ Mặt đất (GLSDB). Nó có tiêu diệt mục tiêu xa tới 150 km, qua đó đe dọa các tuyến tiếp tế chính, kho vũ khí và căn cứ không quân của Nga ở xa phía sau chiến tuyến.
GLSDB là loại đạn kết hợp giữa rocket M26 và bom đường kính nhỏ GBU-39, có thể phóng từ bệ mặt đất như Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt M270 (MRLS) và Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS).
Kiev đã yêu cầu Washington cung cấp cho họ các loại vũ khí có thể bay xa hơn tên lửa HIMARS có tầm bắn 80 km.
"GLSDB có khả năng giúp cho lực lượng của Kiev khả năng tấn công bất cứ nơi nào trong các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson do Nga đang kiểm soát một phần và cả phần phía Bắc của bán đảo Crimea" - hãng tin Aljazeera cho hay.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết Pháp và Ý sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không di động theo yêu cầu từ Kiev nhằm giúp bảo vệ "dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự khỏi các cuộc không kích của Nga".
Theo đài RT (Nga), chính phủ Đức cũng thông báo cấp phép để hãng sản xuất chuyển xe tăng Leopard 1 cho Ukraine sau khi chấp thuận viện trợ Leopard 2 hồi tuần trước.
Thông tin trên được phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói trong cuộc họp báo ngày 3-2. Tuy nhiên, ông Hebestreit từ chối cung cấp thêm thông tin và cho biết giới chức Đức sẽ nêu chi tiết về quyết định trong "vài ngày hoặc vài tuần tới".
Quyết định được đưa ra hơn một tuần sau khi Đức đồng ý chuyển 14 xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời chấp thuận cho các nước khác làm điều tương tự. Theo thỏa thuận, các quốc gia mua vũ khí của Đức phải được nước này đồng ý khi muốn tái xuất chúng sang bên thứ ba.
Tờ Der Spiegel của Đức đưa tin quyết định trên có thể liên quan đến 29 chiếc Leopard 1 đang được niêm cất tại một hãng vũ khí. Đức muốn tân trang lại Leopard 1 để chuyển tới Ukraine.
Được biết, xe tăng chủ lực Leopard 1 do hãng Porsche phát triển vào những năm 1960 với hơn 4.700 chiếc đã xuất xưởng. Leopard 1 nặng 42,2 tấn, được trang bị pháo với rãnh khương tuyến L7A3 105 mm, hai súng MG-3 hoặc FN MAG, có thể đạt tốc độ tối đa 65 km/h với tầm hoạt động 450-600 km.
Leopard 1 có trọng lượng nhẹ và hỏa lực kém hơn Leopard 2, mẫu xe tăng nặng hơn 62 tấn được trang bị pháo nòng trơn Rh-120 120 mm cùng giáp tiên tiến.
. Phản ứng về việc Mỹ và đồng minh phương Tây cung cấp xe tăng cho Ukraine, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhấn mạnh đây là “sai lầm lớn nhất của phương Tây”. Ông cho biết điều này chỉ khiến người dân Nga đoàn kết.
"Sai lầm lớn nhất của phương Tây là họ đã công bố cung cấp xe tăng, đặc biệt là những chiếc xe do Đức sản xuất. Đó là sai lầm chính trị lớn nhất của phương Tây vì họ đã giúp đoàn kết người Nga trong một ngày" - hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 3-2.
Mỹ hôm 25-1 đã công bố gói viện trợ 31 xe tăng M1 Abrams cho Kiev, trong khi chính phủ Đức xác nhận ý định gửi 14 xe tăng Leopard 2, đồng thời cho phép tái xuất khẩu từ các nước khác.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, xe tăng Leopard sẽ được gửi đến Ukraine vào cuối tháng 3. Kế hoạch gửi xe tăng tới Ukraine cũng đã được Anh, Na Uy, Ba Lan, Slovakia và Pháp công bố.
Kiev dự kiến sẽ nhận được lô đầu tiên gồm 140 xe tăng từ 12 quốc gia.
Theo Bằng Hưng (Nld.com.vn)