Theo thông tin mật được cung cấp bởi hai nghị sĩ Đức – một người thuộc liên minh cầm quyền, và người còn lại thuộc phe đối lập, ông Burns được cho là đã đưa ra thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình”, trong đó Nga sẽ giữ khoảng “20% lãnh thổ của Ukraine”, tương đương diện tích của Donbass.
Tờ NZZ đề cập đến đề xuất được cho là đã được thông qua, tập trung vào chuỗi sự kiện dẫn đến việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ gửi xe tăng hạng nặng Leopard 2 và Abrams cho chính quyền Ukraine.
Tờ Washington Post cũng đưa tin trước đó rằng ông Burns đã thực hiện một chuyến đi bí mật tới Kiev trước khi Washington thông báo về việc cung cấp xe tăng, để gặp và thông báo tóm tắt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Từ những gì hai chính trị gia Đức nói với NZZ, lời đề nghị hòa bình của ông Burns dường như ám chỉ sự chia rẽ ở Washington liên quan đến cuộc xung đột. Trong khi Burns và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến ở Ukraine để tập trung vào Trung Quốc, thì Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lại cam kết ủng hộ Kiev.
NZZ cũng chỉ ra báo cáo gần đây của Rand Corporation, kêu gọi Washington tránh một “cuộc chiến tranh lâu dài” ở Ukraine để Mỹ có thể tập trung vào Trung Quốc.
Cả Ukraine và Nga đều từ chối đề xuất của Mỹ, NZZ cho biết. Kiev tuyên bố họ không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào, trong khi Mátxcơva tự tin sẽ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, Phó phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, Sean Davett, nói với Newsweek rằng thông tin của NZZ là không đúng.
Một quan chức CIA sau đó cho biết thông tin về chuyến thăm bí mật tới Mátxcơva của ông Burns, hoặc một đề xuất hòa bình thay mặt Nhà Trắng là “hoàn toàn sai sự thật”.
Khi được hỏi về báo cáo của NZZ, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy nói với Newsweek rằng ông thấy nó "thú vị" nhưng từ chối bình luận.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)