Tuần trước, Hải đoàn Lính thủy Đánh bộ viễn chinh số 13 (13th Marine Expeditionary Unit, MEU) bắt đầu cuộc hành quân chiến đấu 6 tháng theo kế hoạch của Bộ quốc phòng.
Hải đoàn bao gồm có tàu đổ bộ sân bay trực thăng USS Essex (LHD-2), tàu đổ bộ vận tải USS Anchorage (LPD-23) và tàu đổ bộ USS Rushmore (LSD-47) và 5.000 lính thủy đánh bộ cùng thủy thủ.
Điểm đặc trưng của đợt cơ động hành quân chiến đấu này có Không đoàn máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35B Lighting II.
Chuyến hải hành của các chiến hạm không được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và giữ bí mật ở cấp độ cho phép của Bộ quốc phòng. Theo truyền thống, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo việc triển khai cụm binh lực đổ bộ hải quân (Amphibious Ready Group, ARG).
Nhưng lần này cơ quan báo chí Bộ quốc Mỹ không đăng tải thông tin chi tiết hơn về các cụm binh lực hải quân có sự tham gia của MEU, viện dẫn "đảm bảo an ninh cho chiến dịch hành quân chiến đấu".
Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình dương Tim Gorman cho biết "Lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường biển, do tàu USS Essex là kỳ hạm rời cảng San Diego ngày 10.07.2018. Vì lý do đảm bảo an ninh cho chiến dịch, chúng tôi không thể cung cấp bất kỳ chi tiết bổ sung nào".
Phiên bản tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35B Lightning II là phiên bản hải quân (dành cho Lính thủy đánh bộ), được thiết kế để khai thác sử dụng trên các tàu đổ bộ do có tính năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Theo tuyên bố của đại diện Lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, F-35B có khả năng trực tiếp hỗ trợ khả năng tác chiến đổ bộ của các đơn vị Lính thủy đánh bộ.
Ngoài không đoàn F-35, MEU còn bao gồm Tiểu đoàn đổ bộ số 3 Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ số 1; Tiểu đoàn Hậu cần chiến thuật số 13; Hải đoàn vận tải V-22 Tiltrotor số 166 và sở chỉ huy tiền phương.
Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng qua, máy bay tàng hình tiên tiến thế hệ 5 F-35B được triển khai thực hiện nhiệm vụ trên chiến hạm.
Tháng 3, F-35 cũng được triển khai trên tàu đổ bộ Wasp, tham gia với tư cách thành viên của Hải đoàn tấn công Lính thủy đánh bộ Nhật Bản số 121, thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Thái Bình Dương.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, chuyến hành quân chiến đấu của Hải đoàn lính thủy đánh bộ số 13 MEU, trang bị máy bay F-35B trên thực tế là nhằm tới việc các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên khu vực Trung Đông, chủ yếu hướng tới thực tế chiến trường Syria.
Trong nội dung này, các phi công F-35 sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu như trinh sát không phận Syria trong vùng tác chiến của S-400, cơ động trong không gian phòng không của các phương tiện như Pantsir – S1, S-200, Tor – M2 và các máy bay tiêm kích Nga, có thể thực hiện các nhiệm vụ giới hạn không kích IS.
Những hoạt động quân sự này sẽ là bài học quý giá dành cho phi công của F-35 trên thực tế chiến đấu, không chỉ dành cho phi công hải quân Mỹ mà còn có giá trị vô cùng lớn đối với các quốc gia đồng minh, được trang bị máy bay thế hệ 5 F-35.
Những giữ liệu quý giá về hoạt động của F-35 trên thực tế chiến trường cũng là nguồn dữ liệu vô giá với nhà sản xuất Lockheed Martin.
Tập đoàn này sẽ tiếp tục sửa chữa và hoàn thiện những tính năng kỹ chiến thuật của chiếc máy bay đắt giá và mang nhiều tai tiếng nhất nhưng sẽ là con gà đẻ trứng vàng cho hãng Lockheed Martin.
Theo Nguyễn Thuận (Viettimes.vn)