"Các động thái ngày hôm nay (của Washington) không nhằm làm suy yếu khả năng quân sự hay sự sẵn sàng chiến đấu của bất kỳ quốc gia nào", Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho hay.
Cũng trong ngày 20/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bổ sung tên của 33 người Nga vào danh sách cấm vận của Mỹ.
Trong số này bao gồm cả nhiều quan chức quốc phòng và tình báo trong chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, bị Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống nước này năm 2016 thông qua tấn công mạng các mục tiêu thuộc đảng Dân chủ Mỹ và xúc tiến chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội.
Nhà chức trách Mỹ thông tin, việc triển khai các biện pháp trừng phạt trên căn cứ vào Đạo luật chống các kẻ thù Mỹ thông qua các biện trừng phạt (CAATSA) được Quốc hội nước này thông qua năm 2017. CAATSA cho phép Washington có quyền trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên bằng nhiều biện pháp cấm vận và hạn chế mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Bất kỳ ai có quan hệ làm ăn với những người nằm trong danh sách "đen" nói trên ít nhất cũng bị Mỹ cảnh cáo và nặng hơn sẽ đối mặt với sự trừng phạt của nước này.
Theo CNN, sau khi tham vấn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stephen Mnuchin, Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo đã quyết định áp các lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển trang thiết bị thuộc quân đội Trung Quốc cũng như lãnh đạo cơ quan này, Tướng Li Shangfu vì mua 35 máy bay chiến đấu Su-35 và một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 từ Nga.
Phát biểu trước báo giới, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố, đây là "một bước tiến lớn", vì nó đánh dấu lần đầu tiên nhà chức trách Mỹ trừng phạt đối tượng nào đó có quan hệ làm ăn với những thực thể Nga trong danh sách cấm vận của Washington.
Giới phân tích nhận định, các biện pháp trừng phạt mới công bố sẽ trầm trọng hóa quan hệ Washington - Moscow cũng như gia tăng căng thẳng Washington - Bắc Kinh đúng vào lúc leo thang chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)