Không lâu sau lần đóng cửa chính phủ lâu kỷ lục, chính trường Mỹ hôm 15-2 lại rơi vào tình trạng hỗn loạn vì chuyện ngân sách cho kế hoạch xây bức tường ở biên giới với Mexico. Lần này, Tổng thống Donald Trump không để chính phủ tiếp tục đóng cửa một phần mà sử dụng cách khác để có tiền thực hiện lời hứa với người ủng hộ khi ra tranh cử năm 2016.
Bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới với Mexico, ông chủ Nhà Trắng dường như tin rằng quyền lực hành pháp cho phép ông huy động ngân sách cho kế hoạch gây tranh cãi nói trên sau khi bị quốc hội nói "không". Ông Sam Berger, Phó Chủ tịch Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ, nhận định quyết định này ẩn chứa không ít rủi ro bởi theo lô-gíc của ông Trump, ông được phép biến quân đội thành một công ty xây dựng tư nhân để thực hiện chương trình nghị sự chống nhập cư và lời hứa tranh cử.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington hôm 15-2, ông Trump cho biết một phần lý do ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là muốn xây bức tường sớm hơn dù ông có thể làm điều này về lâu dài. Ông Michael McConnell, chuyên gia tại Trường Luật Stanford (Mỹ), chỉ ra những lời lẽ này có thể không giúp ích gì cho ông Trump trong một loạt vụ kiện tiềm tàng sắp tới vì nó cho thấy không có tình trạng khẩn cấp tức thì tại biên giới với Mexico đòi hỏi ông phải qua mặt quốc hội. Ngoài ra, theo ông McConnell, còn có những yếu tố khách quan hơn chứng tỏ không có tình trạng khẩn cấp nào lúc này, như nhiều thứ không hề thay đổi trong 20 năm qua.
Các nhóm phản đối chính sách nhập cư của ông Trump cũng cáo buộc nhà lãnh đạo này tạo ra ảo tưởng về một cuộc khủng hoảng biên giới để biện minh cho kế hoạch xây bức tường. "Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được đưa ra ngay sau khi quốc hội đạt thỏa thuận về vấn đề an ninh biên giới. Rõ ràng tổng thống đang tìm cách tạo ra khủng hoảng thay vì giải quyết nó" - bà Beth Werlin, Giám đốc điều hành Hội đồng Nhập cư Mỹ, chỉ trích.
Theo trang Politico, mong muốn sớm xây bức tường thông qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể phản tác dụng bởi cuộc chiến pháp lý sau đó nhiều khả năng khiến dự án này bị trì hoãn nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.
Theo trang Bloomberg, quốc hội có thể đưa ông Trump ra tòa để khẳng định quyền phân bổ ngân sách liên bang theo quy định của hiến pháp. Còn chính quyền các địa phương và chủ đất gần dự án có thể khởi kiện về chuyện đất đai họ bị xâm phạm. Các cá nhân và doanh nghiệp cũng có thể tìm đến tòa án nếu thấy mình bị thiệt hại bởi chuyện tái phân bổ ngân sách.
Tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen là cái tên đầu tiên đệ đơn kiện nhằm ngăn ông Trump sử dụng khoản ngân sách liên bang 8 tỉ USD để trang trải chi phí xây dựng bức tường. Đơn kiện này cho rằng tuyên bố của ông Trump không phải là hành động ứng phó tình huống khẩn cấp mà phản ánh "bất đồng lâu nay" giữa tổng thống và quốc hội về vấn đề xây tường biên giới. Đáng chú ý, Thống đốc bang California Gavin Newsom thông báo sẽ thách thức tuyên bố của ông Trump về pháp lý - qua đó trở thành vụ kiện thứ 46 nhằm vào chính phủ liên bang hiện nay.
Ngoài các cuộc chiến ở tòa án, tuyên bố của ông Trump còn đối mặt thách thức ở quốc hội. Hiệu lực của nó sẽ bị vô hiệu hóa nếu nhận được phiếu ủng hộ của 2/3 nghị sĩ. Tuy nhiên, đây là kịch bản khó xảy ra bởi Đảng Cộng hòa của ông Trump đang kiểm soát thượng viện trong lúc Đảng Dân chủ không chiếm thế tuyệt đại đa số tại hạ viện.
Bất chấp trở ngại này, nữ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez cho biết sẽ cùng đồng nghiệp Joaquin Castro (đều của Đảng Dân chủ) đưa ra dự luật ngăn tuyên bố của ông Trump. Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ gửi thư cho ông chủ Nhà Trắng, thông báo điều tra tức thì động thái của ông.
Theo Hoàng Phương (Nld.com.vn)