Theo National Interes, đến năm 2017, Hải quân Mỹ sẽ được trang bị tàu đệm khí SSC-loại tàu có tốc độ cao để tránh né các đợt tấn công của đối phương.
Theo kế hoạch được Thiếu tướng Christopher Owens tiết lộ, Hải quân Mỹ có kế hoạch chế tạo 73 tàu đổ bộ đệm khí để thay thế các tàu LCAC hiện có. Với việc một số tàu LCAC đã hoạt động gần 30 năm, sự xuất hiện của các tàu mới được cho rằng rất cần thiết.
Tàu đệm khí LCAC. |
Tướng Owens cho biết: "Hiện hai tàu SSC đang được chế tạo, dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2017. Hai tàu SSC khác cũng được đóng vào tháng 3/2016".
Theo tiết lộ của vị tướng này, dù có thiết kế tương tự LCAC, nhưng tàu SSC sẽ có một số những cải tiến rõ rệt cho phép tàu có tốc độ cao hơn, tầm hoạt động rộng hơn, tải trọng lớn hơn, đồng thời được trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số và một loại động cơ mới.
"Tàu đệm khí mới SSC sẽ có tải trọng lớn hơn, do đó có thể chở theo xe tăng hạng nặng M1A1 để tham chiến", ông Owens cho biết. Loạt tàu SSC được cho là có thể chở khối lượng hàng tối đa là 74 tấn, trong khi tàu LCAC chỉ có thể chở 60 tấn và có tầm hoạt động ngắn hơn.
Hải quân Mỹ hiện đã giao thầu cho hãng Textron Systems để chế tạo tàu SSC và theo kế hoạch đến năm 2020, hãng này có thể bàn giao 8 tàu SSC cho Hải quân Mỹ. Bản hợp đồng này có trị giá vào khoảng 570 triệu USD.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ được trang bị đầy đủ tàu SSC, Hải quân Mỹ cũng thực hiện chương trình nâng cấp mới nhằm kéo dài tuổi thọ cho các tàu LCAC.
Theo đó, vỏ tàu được gia cố để tránh bị ăn mòn do nước biển, đặc biệt, động cơ của tàu LCAC được Hải quân Mỹ thay thế mới để loại tàu này có thể dùng nhiên liệu xanh giúp con tàu đạt tốc độ lên tới 50 hải lý/h. Loại nhiên liệu hỗn hợp dùng cho tàu LCAC sau nâng cấp gồm dầu tảo và dầu F-76 trộn với tỷ lệ 50/50.
Các thử nghiệm cho kết quả khá bất ngờ khi con tàu có thể đạt tốc độ nhanh nhất là 50 hải lý/h. Tốc độ nhanh nhất trước đó đã đạt được là 44,5 hải lý/h thuộc về chiếc Riverine Command Boat (RCB) hồi tháng 10/2010 tại căn cứ Hải quân Norfolk.
"Hải quân chúng tôi sẽ kiên trì nghiên cứu các năng lượng tiềm năng trong tương lai, theo đuổi các nguồn nhiên liệu bền vững. Nhiên liệu thay thế phải đảm bảo hiệu suất và tốc độ của thiết bị.
Nghiên cứu thành công nhiên liệu mới có ý nghĩa quan trọng như phát minh của anh em Wright, những người đã biến giấc mơ bay lên bầu trời của nhân loại thành sự thật.
Chúng tôi đã chứng minh rằng, các phương tiện có thể đạt được tốc độ hơn 50 hải lý/h đối với các thiết bị hoạt động trên mặt nước", Đô đốc Philip Cullom - người đứng đầu chương trình năng lượng xanh cho biết.
Theo Thùy Dung (Đất Việt)