Theo Tạp chí National Interest, công nghệ radar lượng tử hiện vẫn là điều mới mẻ đối với thế giới. Nó vẫn là một cái gì đó giống khoa học viễn tưởng hơn là hệ thống vũ khí thực tế. Nhưng công nghệ này là có thật dựa trên nguyên lý "rối lượng tử".
Về nguyên lý hoạt động của radar lượng tử, National Interest cho biết, loại radar công nghệ hoàn toàn mới này tạo ra số lượng lớn các cặp photon. Khi được bắn vào không khí, chúng sẽ có khả năng tiếp nhận nhiều thông tin quan trọng về mục tiêu như hình dạng, vị trí, tốc độ, nhiệt độ, thậm chí cả thành phần hóa học của sơn từ photon phản xạ trở lại.
Về mặt lý thuyết, nếu công nghệ đủ tinh vi nó có thể chỉ tiếp nhận một trong số các photon phản xạ trở lại. Radar lượng tử có thể tách các photon phản xạ trở lại do các biện pháp gây nhiễu xung quanh giúp xác định mục tiêu chính xác hơn.
Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy từ các photon phản xạ về, radar lượng tử có thể mô phỏng chính xác hình dạng của vật thể, giúp ê kíp điều khiển dễ dàng phân loại mục tiêu.
Như vậy, đến khi phát triển thành công và đưa vào ứng dụng radar lượng tử, công nghệ tàng hình áp dụng trên F-22, F-35 và B-2 của Mỹ, J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga đều có thể trở nên vô dụng. Mặc dù có ưu điểm rất lớn là dễ dàng tóm gọn mục tiêu tàng hình nhưng công nghệ này đang tồn tại điểm yếu chưa thể khắc phục.
Cụ thể, công nghệ này chỉ cho phép loại radar này hoạt động hiệu quả trong phạm vi ngắn, chỉ có thể phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly 100km, đây là tuyên bố của một công ty Trung Quốc, nhưng các nhà khoa học vẫn còn hoài nghi.
Một chuyên gia của Mỹ cho biết, một dự án hợp tác giữa Mỹ, Anh, Canada và Đức được triển khai vào năm 2015 đã cho ra phiên bản đầu tiên của radar lượng tử có phạm vi hoạt động không quá 20km.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, phạm vi này là quá ngắn để có hiệu quả chiến thuật trong việc chống mục tiêu tàng hình. Cho dù radar lượng tử có hiệu quả cũng không thể cung cấp cảnh báo sớm tầm xa cho hệ thống phòng không mặt đất.
Trong khi đó, lực lượng chiến đấu hiện đại đều có thể mang theo vũ khí có tầm bắn hàng trăm km. Đặc biệt, radar 96L6E của tổ hợp phòng không S-400 do Nga chế tạo có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 400 km. Radar Green Pine do Israel chế tạo có phạm vi hoạt động tới 500 km.
Nếu radar lượng tử không thể mở rộng phạm vi hoạt động, ứng dụng của nó trong nhiệm vụ phòng không là gần như không thể. Mặc dù vậy, chuyên gia Sebastien Roblin thuộc Trường Đại học Georgetown, Mỹ vẫn nhận định tiềm năng của radar lượng tử là không hề nhỏ.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)