Mỹ "tố" Trung Quốc sắp hoàn tất hàng chục kết cấu có thể chứa tên lửa ở Biển Đông

22/02/2017 09:38:00

Trung Quốc sắp xây xong khoảng 20 kết cấu trên đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, nơi có thể để chứa các tên lửa tầm xa, hai quan chức Mỹ cho biết với Reuters.

Trung Quốc sắp xây xong khoảng 20 kết cấu trên đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, nơi có thể để chứa các tên lửa tầm xa, hai quan chức Mỹ cho biết với Reuters.

Tàu nạo vét được cho là của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông do Hải quân Mỹ cung cấp hôm 21/5/2015. (Ảnh: Reuters)

Hàng chục kết cấu trên đảo nhân tạo trái phép

Reuters ngày 21/2 dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ: “Những kết cấu này trông giống như những kết cấu mà Trung Quốc xây dựng để chứa tên lửa khác”. Một quan chức khác cho biết, các kết cấu này có kích thước dài 20m, cao khoảng 10m.

Các quan chức này cho rằng, những kết cấu mới có thể được dùng để chứa các tên lửa đất đối không. Tuy nhiên, họ không đưa ra bình luận liệu khi nào Trung Quốc sẽ đưa các tên lửa tới đây.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin trên.

Trong một báo cáo hồi tháng 12/2016, ông Greg Poling, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở tại Washington, cho rằng Trung Quốc đã lắp đặt vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa ở tất cả 7 thực thể mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Phép thử với chính quyền Trump?

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tròn một tháng.

Giới tình báo Mỹ cho rằng, những kết cấu đó có thể không phải là mối đe dọa quân sự với lực lượng Mỹ trong khu vực, song có thể là phép thử để xem phản ứng của chính quyền của Tổng thống Trump ra sao.

Trong khi đó, Chas Freeman, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ, cho rằng việc xây dựng trái phép này của Bắc Kinh là nhằm mục đích quân sự, thay vì chỉ là một phép thử chính trị với Mỹ.

Về phần Tổng thống Trump, trong vòng 1 tháng kể từ khi nhậm chức, chính quyền của ông đã phát đi những tín hiệu cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông

Trong phiên điều trần tại một ủy ban của Thượng viện hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trong một tuyên bố vài ngày sau đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng: “Nước Mỹ sẽ cam kết rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các lợi ích của mình ở đó (châu Á). Đó thực tế là vùng biển quốc tế chứ không thuộc sở hữu của Trung Quốc. Chắc chắn chúng ta sẽ bảo vệ các lãnh thổ quốc tế để không nước nào có thể chiếm đoạt”.

Giới phân tích cho rằng, những bình luận này cho thấy Mỹ không loại trừ khả năng có hành động quân sự và thậm chí là cấm vận hàng hải để đối phó. Tuy nhiên, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc hôm qua khẳng định, Mỹ sẽ duy trì chính sách “không quân sự hóa ở Biển Đông”, đồng thời hối thúc các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế.

Theo Minh Phương (Dân Trí)

Nổi bật