Washington tin rằng nhà sản xuất khinh khí cầu đó có “quan hệ trực tiếp” với quân đội Trung Quốc, vị quan chức cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng cho biết, Washington sẽ tìm cách hành động, nhưng chưa cho biết Chính phủ Mỹ đang tính đến những biện pháp nào.
Bà Jean-Pierre nói với báo chí rằng Mỹ sẽ xem xét những nỗ lực rộng hơn nhằm “phơi bày và đối phó” những hoạt động giám sát quy mô lớn của Trung Quốc, gây đe doạ cho an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh.
FBI, cơ quan đang đi đầu trong nỗ lực phân tích các bộ phận của khinh khí cầu bị bắn rơi, cho biết trong một cuộc họp báo rằng họ mới chỉ thu được bằng chứng hạn chế và chưa có đủ thông tin để đánh giá về khả năng của vật thể này.
“Vẫn còn rất sớm đối với chúng tôi trong quá trình này, vì bằng chứng được khôi phục và chuyển cho FBI vẫn cực kỳ hạn chế”, một quan chức của cục cho biết.
Các quan chức FBI cho biết họ vẫn chưa tiếp cận được phần lớn bộ phận quan trọng nhất của khí cầu, nơi hầu hết thiết bị điện tử có thể nằm ở đó, vì phần này vẫn nằm dưới biển.
Trong phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho rằng khí cầu Trung Quốc là dấu hiệu nữa cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tái định hình trật tự thế giới.
“Hành động vô trách nhiệm này thể hiện đầy đủ điều chúng ta đã nhận ra từ lâu: Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn ở trong nước và mạnh mẽ hơn ở nước ngoài”, bà Sherman nói trong phiên điều trần.
Bà Sherman cho biết, Washington sẽ tiếp tục ngăn Trung Quốc sử dụng công nghệ Mỹ để thúc đẩy hiện đại hoá quân đội.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)