Mỹ tình cờ phát hiện 27 tên lửa đạn đạo Lance tại kho đạn Redstone ở Alamaba. Ảnh: War is Boring |
Trong vòng 30 năm kể từ năm 1962, quân đội Mỹ đã triển khai các tên lửa đạn đạo Lance ở châu Âu để đề phòng nguy cơ Liên Xô tấn công.
Với chiều dài 6m và trọng lượng 1,5 tấn, một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Lance có thể di chuyển với tốc độ Mach 3, tiêu diệt mục tiêu cách xa 120km và có sức công phá tương tương 100 kiloton thuốc nổ TNT.
Theo kênh truyền hình WAAY T.V, quân đội Mỹ đã loại biên những tên lửa Lance cuối cùng vào năm 1992 và sau đó không rõ vì sao 27 tên lửa trong số này đã thất lạc.
Các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh quản lý chu trình hoạt động của tên lửa và hàng không (AMCOM) cho hay, họ không hề biết những tên lửa này được được lưu trữ ở phía nam kho đạn Redstone, Alabama.
Mãi đến khi tiến hành kiểm kê toàn bộ các vũ khí trong năm 2014, họ mới phát hiện ra chúng. Không rõ chính xác các tên lửa Lance đã ở đó bao lâu nhưng có thể là vài thập kỷ.
Tên lửa Lance trong một thử nghiệm đánh chặn tên lửa. Ảnh: Lục quân Mỹ |
Tên lửa Lance được biết đến nhiều nhất bởi khả năng mang đầu đạn neutron.
Theo Washington Post, loại đầu đạn này được thiết kế để tiêu diệt mạng sống con người nhưng chỉ mang lại thiệt hại nhỏ đối với cơ sở hạ tầng.
Đầu đạn phóng xạ tăng cường được thiết kế để giải phóng một lượng lớn neutron trong bán kính hẹp. Chúng tấn công hệ thần kinh trung ương của con người song cũng làm giảm đáng kể hiệu ứng nhiệt và nổ của các đầu đạn hạt nhân thông thường.
Từ đó, mức độ tàn phá các tòa nhà xung quanh được giảm thiểu đáng kể.
Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn kinh phí sản xuất đầu đạn mới vào ngày 13/07/1977 nhưng Tổng thống Jimmy Carter đã trì hoãn việc sản xuất đầu đạn neutron vào tháng 04/1978.
Sau năm 1992, quân đội Mỹ sử dụng Lance làm mục tiêu cho các tên lửa đánh chặn. Cuộc thử nghiệm với tên lửa Lance khả dụng cuối cùng được tiến hành vào tháng 07/2015.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), tên lửa cuối cùng trong số 27 tên lửa Lance thất lạc đã được chuyển đi vào tháng 9 năm nay, kim loại trên tên lửa sẽ được tái chế.
Theo Việt Long (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)