Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện trong gần hai giờ trong bối cảnh Washington tìm cách ngăn cản Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc kinh tế cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Phát biểu trong cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hai nước cần đưa quan hệ song phương đi đúng hướng, ông Tập cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần chia sẻ trách nhiệm quốc tế và thúc đẩy hòa bình thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là điều mong muốn. Các sự kiện này một lần nữa cho thấy xung đột và đối đầu không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, trong khi cộng đồng quốc tế cần trân trọng hòa bình và an ninh.
Trước cuộc hội đàm, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden sẽ chất vấn ông Tập về "sự ủng hộ" của Bắc Kinh đối với Putin và việc Bắc Kinh không lên án chiến dịch quân sự của Nga.
Đáp trả lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cho rằng những tuyên bố của chính quyền Biden về việc Trung Quốc có nguy cơ rơi vào sai lầm của lịch sử trong cuộc xung đột Nga-Ukraine là hành vi “hống hách”.
Hôm thứ Sáu, Trung Quốc cũng tìm cách nhấn mạnh các lời kêu gọi các bên đàm phán và quyên góp viện trợ nhân đạo, đồng thời cáo buộc Mỹ khiêu khích Nga và thúc đẩy xung đột bằng cách vận chuyển vũ khí tới Ukraine.
Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Trung Quốc đã cố gắng tách mình khỏi các hoạt động quân sự của Nga cũng như tránh chỉ trích Moscow.
Đầu tuần này, Mỹ đã thông báo với các đồng minh châu Á và châu Âu rằng có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sẵn sàng cung cấp cả hỗ trợ quân sự cho chiến dịch quân sự của Nga và hỗ trợ tài chính để giúp Nga ngăn chặn tác động của các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ phương Tây.
Hồi đầu tuần này, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp căng thẳng kéo dài 7 tiếng tại Rome để thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine và những vấn đề song phương.
Trước cuộc đàm phán tại Rome, ông Sullivan cho biết Mỹ sẽ không tiếp tay cho Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác giúp Nga đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Mặc dù được coi là đứng về phía Nga, Trung Quốc vẫn có động thái xoa dịu với Ukraine, cụ thể đại sứ Trung Quốc tại Ukraine Fan Xianrong hồi đầu tuần này đã khẳng định: “Trung Quốc là một quốc gia thân thiện đối với người dân Ukraine. Với tư cách là một đại sứ, tôi có thể nói một cách có trách nhiệm rằng Trung Quốc sẽ mãi mãi là một thế lực có lợi cho Ukraine, cả về kinh tế và chính trị ”.
Theo PV (Ngaynay.vn)