Trước đó, ngày 26/2, Ukraine đệ đơn “kiện” LB Nga ra Tòa này. Ngày 7/3, Tòa mở phiên điều trần đầu tiên để nghe hai bên trình bày quan điểm, lập luận, nhưng chỉ có đại diện của Ukraine có mặt cùng với nhóm luật sư; phía Nga gửi văn bản đệ trình.
Sau hơn 1 tuần xem xét, ICJ với 13/15 thẩm phán đã thông qua phán quyết chấp thuận các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của Ukraine; 2 thẩm phán người Nga và Trung Quốc không đồng ý.
Yêu cầu Nga chấm dứt mọi hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraine
Trước hết, về mặt thẩm quyền xem xét vụ kiện, Tòa bác bỏ quan điểm của phía Nga. Trong bản đệ trình nộp Tòa, Nga chỉ dựa trên lý lẽ về quyền tự vệ để biện hộ cho việc đưa quân vào Ukraine, mà không nhắc đến nạn diệt chủng nữa như trong phát biểu chính thức của Tổng thống Putin và nhiều quan chức khác.
Chiến thuật này nhằm phủ nhận mối liên hệ giữa hành động của Nga với cáo buộc diệt chủng, qua đó phủ nhận thẩm quyền của Tòa trong vụ này theo nội dung kiện của Ukraine. Nhưng Tòa đã tuyên bố mình có thẩm quyền xem xét vụ kiện, vì trước đó phát biểu của ông Putin và các quan chức khác của Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine gây ra diệt chủng ở Donbass, Nga phải đưa quân vào để cứu người Nga.
Vì vậy, Ukraine đã có cơ sở khi dựa trên điều 9, Công ước Diệt chủng để lập luận, hai bên có quan điểm khác nhau liên quan đến diệt chủng, vì vậy đưa vụ việc ra để Tòa phân xử.
Về mặt nội dung, ICJ cho rằng, hiện không có bằng chứng cho thấy diệt chủng đối với người Nga ở Donbass như Nga cáo buộc, cần được tiếp tục tìm hiểu, xem xét. Hơn nữa, Tòa không cho rằng Công ước về diệt chủng cho phép một quốc gia được đơn phương sử dụng vũ lực trên lãnh thổ quốc gia khác với mục đích ngăn ngừa hoặc trừng phạt tội diệt chủng.
Vì vậy, Tòa cho rằng, “Ukraine có quyền không phải chịu hành động quân sự của LB Nga trên lãnh thổ Ukraine nhằm ngăn ngừa hoặc trừng phạt tội diệt chủng”.
Từ những lập luận trên đây, Tòa yêu cầu LB Nga chấm dứt mọi hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraine, đảm bảo rằng mọi tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của Nga không được có những hành động tương tự trong tương lai. Như vậy, hầu như các yêu cầu của Ukraine đã được Tòa đáp ứng; thậm chí có yêu cầu còn được đáp ứng hơn cả mong đợi.
Ukraine chỉ yêu cầu Nga và các lực lượng chịu ảnh hưởng của Nga chấm dứt các hành động quân sự có mục đích chấm dứt, ngăn ngừa diệt chủng.
Thế nhưng, Tòa đã yêu cầu Nga và các lực lượng chịu ảnh hưởng của Nga chấm dứt mọi hành động quân sự nói chung trên lãnh thổ Ukraine, với hàm ý phòng ngừa trường hợp lý do khác sẽ được đưa ra để biện hộ cho việc tiếp diễn các hành động quân sự.
Giải quyết xung đột một cách văn minh, hòa bình
Quyết định của Tòa có tính chung thẩm và bắt buộc đối với các bên tham gia vụ kiện. Nhưng khả năng cao là Nga sẽ không tuân thủ, nhất là khi Tòa không có công cụ cưỡng chế thi hành phán quyết.
Nếu vậy, cộng với việc không xuất hiện tại Tòa, hành động của chính quyền Nga cho thấy sự coi thường pháp luật quốc tế, càng làm xấu đi hình ảnh của họ, tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế. Nhưng biết đâu đấy, phán quyết của Tòa có khi lại là lối thoát cho cuộc chiến, là cái cớ để Nga rút quân mà vẫn giữ được thể diện, lại được tiếng là tôn trọng pháp luật quốc tế.
Dù sao chăng nữa, sau khi có phán quyết của ICJ, các quốc gia thành viên của LHQ sẽ buộc phải tỏ thái độ rõ ràng hơn về hành động của Nga đối với Ukraine, vì đã rõ về mặt pháp lý ai đúng, ai là kẻ quanh co.
Thắng lợi của Ukraine trong cuộc chiến ở ICJ cho thấy, một nước nhỏ có thể dùng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp, xung đột một cách văn minh, hòa bình. Đặc biệt, thắng lợi này có ý nghĩa tinh thần mạnh mẽ đối với tất cả.
"Nếu Ukraine thua thì công lý thua, nền hòa bình thế giới thua" - câu trả lời phỏng vấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh rất phù hợp với sự kiện này. Phán quyết của Tòa là một chiến thắng bước đầu không chỉ của Ukraine. Đó còn là thắng lợi của pháp luật quốc tế, của Công lý - như tên gọi của Tòa - trong cuộc chiến đầy tang thương.
Theo Nguyễn Đức Lam (VietNamNet)