Như đã biết, trong năm 2017, luật "Về chống đối thủ của Mỹ qua biện pháp trừng phạt" (CAATSA) đã được thông qua tại Hoa Kỳ, cho phép áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga, Iran và Triều Tiên, cũng như các cá nhân và các công ty từ các nước thứ ba hợp tác với họ.
Về cơ bản thì điều luật này quy định rằng các quốc gia có hợp tác kinh tế, đặc biệt là mua vũ khí do Nga sản xuất thì sẽ không có cơ hội được tiếp xúc với vũ khí Mỹ, thậm chí còn mở rộng ra thương mai nói chung.
Đây là chiêu thức được nhận xét có hiệu quả cao và khốc liệt nhất từ trước tới nay mà Mỹ từng đưa ra, sẽ khiến những quốc gia có giá trị xuất nhập khẩu cao với Mỹ phải cân nhắc kỹ trước khi mua mặt hàng quốc phòng từ Nga.
Tuy nhiên vào hôm thứ Năm, chủ nhân Lầu Năm Góc James Mattis kêu gọi các thượng nghị sĩ Mỹ thực hiện ngoại lệ cho Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia trong biện pháp trừng phạt chống Nga, nhằm đảm bảo việc cung cấp vũ khí của Mỹ cho những nước này.
Phát biểu tại Thượng viện, ông James Mattis nhắc lại rằng Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia mua số lượng lớn vũ khí do Nga chế tạo, nhưng đồng thời "có xu hướng mua thêm vũ khí của Mỹ". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng danh sách các nước như vậy "có thể thay đổi rất nhanh chóng."
Ông nói thêm rằng muốn ngoại lệ như vậy được thực hiện trong ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tài chính 2019.
Như vậy có thể nhận thấy rằng qua đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thì Việt Nam nằm trong danh sách tiềm năng sẽ mua sắm số lượng lớn vũ khí Mỹ trong tương lai, đứng ngang hàng với Ấn Độ và Indonesia - các quốc gia đã nhập khẩu rất nhiều trang thiết bị quốc phòng từ Washington.
Trước đó, trong một cuộc hội kiến với phía Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump còn đưa ra gợi ý là chúng ta nên mua vũ khí Mỹ để nhanh chóng cân bằng cán cân thương mai, và sau đó được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã tái khẳng định chủ trương trên.
Mặc dù việc mua sắm vũ khí Mỹ có thể chưa diễn ra, nhưng ít nhất đề xuất mới mà ông James Mattis đưa ra đã thông thoáng hơn trước nhiều.
Theo Chí Linh (Đất Việt)