Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua cho rằng đã đến lúc rời xa những căng thẳng, mở sang trang mới trong tranh chấp Biển Đông và cam kết sẽ hối thúc Philippines nối lại thảo luận với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua dự họp báo bên lề hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ở Vientiane, Lào. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Kerry cho biết Bắc Kinh và Manila đã thể hiện sẵn sàng tham gia thảo luận sau phán quyết của Toà Trọng tài và ông sẽ khuyến khích tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối thoại, thương lượng với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp. Ông Kerry sẽ gặp ông Duterte tại Manila hôm nay.
"Hy vọng đây có thể trở thành khoảnh khắc tất cả chúng ta có thể tận dụng, để làm việc, làm sao tìm ra một số phương thức xử lý việc đánh cá? Cách xử lý nguồn tài nguyên thiên nhiên? Cách xử lý tự do đi lại của tàu thuyền và bảo vệ quyền lợi của mọi người?", SCMP dẫn lời ông Kerry nói.
"Đây có thể là khoảnh khắc chuyển biến rất quan trọng về cách diễn ra cuộc thảo luận này, không phải thông qua các động thái công khai và thách thức đơn phương, mà với phương thức ngoại giao mang tính xây dựng và chu đáo", ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm.
Tại cuộc gặp giữa ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 25/7, ông Vương hy vọng "Mỹ sẽ có những bước đi để ủng hộ việc nối lại thảo luận giữa Trung Quốc và Philippines, ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm duy trì hoà bình và ổn định khu vực", thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hôm qua.
Nhắc lại lời ông Vương, ông Kerry cho biết Mỹ cũng nhất trí "rời xa những căng thẳng công khai" và "sang trang", sau phán quyết của Toà Trọng tài và giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hoà bình, ngoại giao. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp, ông Kerry nói, nhưng tin rằng "cần tôn trọng pháp quyền".
Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn". "Đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.