Zawahiri ẩn náu suốt nhiều năm và chiến dịch truy lùng, tiêu diệt y là kết quả của chuỗi hành động "cẩn trọng và kiên trì" của cộng đồng tình báo lẫn cộng đồng chống khủng bố, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định với Reuters.
Trước thông báo của Mỹ, Zawahiri được cho là ẩn náu tại Pakistan hoặc Afghanistan. Dưới đây là những thông tin về chiến dịch truy giết Zawahiri được quan chức giấu tên kể trên tiết lộ.
Suốt nhiều năm, chính phủ Mỹ nắm rõ mạng lưới được họ xác định là hỗ trợ Zawahiri và đến năm 2021, sau khi Washington rút quân khỏi Afghanistan, giới chức Mỹ đã theo dõi manh mối về sự hiện diện của Al Qaeda ở quốc gia này.
Năm nay, giới chức Mỹ xác định gia đình Zawahiri đã di chuyển đến một ngôi nhà ở thủ đô Kabul – Afghanistan. Họ sau đó xác định Zawahiri cũng có mặt tại ngôi nhà này.
Trong nhiều tháng qua, giới chức tình báo ngày càng tự tin rằng họ đã xác định được chính xác vị trí của Zawahiri và đến đầu tháng 4, họ bắt đầu cung cấp thông tin cho giới chức chính quyền Tổng thống Biden. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó đích thân báo cáo tình hình cho ông chủ Nhà Trắng.
Giới chức điều tra cấu trúc, bản chất của ngôi nhà đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng những người có mặt bên trong để đảm bảo Mỹ có thể tiến hành chiến dịch tiêu diệt Zawahiri mà không khiến tòa nhà sụp đổ hoàn toàn. Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro cho dân thường và gia đình của Zawahiri, quan chức trên khẳng định.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Biden họp với các cố vấn và thành viên nội các chủ chốt để thảo luận thông tin tình báo và bàn bạc phương án hành động hiệu quả nhất.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden ngày 1-7 được các thành viên nội các, bao gồm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns, trình bày chiến dịch đề xuất. Tổng thống Biden đặt nhiều câu hỏi chi tiết liên quan đến mức độ chính xác của thông tin, cũng như những yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của chiến dịch.
Nhóm cố vấn pháp lý của Tổng thống Biden kiểm tra báo cáo tình báo và xác nhận Zawahiri là một mục tiêu "hợp pháp".
Đến ngày 25-7, Tổng thống Biden triệu tập các thành viên trong nội các và nhóm cố vấn để họp bàn lần cuối. Nội dung thảo luận xoay quanh tác động của chiến dịch tiêu diệt Zawahiri, chẳng hạn như chiến dịch này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Mỹ-Taliban.
Sau khi lắng nghe mọi ý kiến, ông chủ Nhà Trắng yêu cầu tiến hành một cuộc không kích tiêu diệt Zawahiri, với điều kiện nguy cơ thương vong dân sự phải ở mức tối thiểu.
Cuối cùng, một cuộc tấn công được triển khai vào lúc 21 giờ 48 phút (giờ ET) ngày 30-7, khi máy bay không người lái phóng tên lửa "hỏa ngục" tiêu diệt Zawahiri.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)