Trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/10, Ngoại trưởng Mike Pompeo giải thích quyết định này nhằm đảm bảo người dân Mỹ có thể phân biệt giữa tin tức do "báo chí tự do" viết với "thông tin tuyên truyền" do những cơ quan truyền thông này đăng tải.
Những công ty nằm trong danh sách này là Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Sosial Sciences, Beijing Review, Economic Daily. Theo Đạo luật Phái bộ Nước ngoài, nhân viên làm việc tại Mỹ của những cơ quan truyền thông này phải đăng ký là phái viên nước ngoài với chính phủ Mỹ, giống như nhân viên của các đại sứ quán nước ngoài.
Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc tại Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11, trong đó Tổng thống Donald Trump đã đặt cách tiếp cận cứng rắn đối với Bắc Kinh là một chủ đề chính sách đối ngoại chủ chốt.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các hãng truyền thông Trung Quốc đăng ký là Phái bộ nước ngoài, đồng thời thông báo hồi tháng 3 rằng, sẽ cắt giảm số phóng viên của các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc được phép làm việc ở Mỹ từ 160 xuống còn 100 người.
Hồi tháng 9, theo Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell, những cơ quan bị đưa vào danh sách Phái bộ nước ngoài là các tổ chức "thực chất thuộc sở hữu hoặc chịu sự quản lý" của chính quyền Trung Quốc. Các tổ chức này sẽ phải cung cấp cho Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin nhân viên và bất động sản sở hữu trên lãnh thổ Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cũng cho biết, Washington sẽ khởi động đối thoại về Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/10.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)