Mỹ: Phán quyết của Toà trọng tài quốc tế là "ràng buộc về pháp lý"

12/07/2016 22:08:00

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12.7 cho biết phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là “ràng buộc về pháp lý”, kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết này.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12.7 cho biết phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là “ràng buộc về pháp lý”, kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của PCA

“Mỹ bày tỏ kỳ vọng rằng các bên có liên quan sẽ tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan)”, AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby.

Trước đó, PCA ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, theo đó Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường lưỡi bò” hay "đường chín đoạn" chiếm trọn gần cả Biển Đông.

“Phán quyết hôm nay của PCA là một đóng góp quan trọng cho mục tiêu tìm kiếm giải pháp hòa bình đối với những vụ tranh chấp ở Biển Đông”, ông Kirby nói.

Các quan chức Mỹ “đang nghiên cứu phán quyết và không có bình luận gì về vụ việc này”, nhưng khẳng định phán quyết của PCA phải được tôn trọng, theo ông Kirby.

“Mỹ ủng hộ việc thượng tôn pháp luật. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong hòa bình, bao gồm thông qua tòa trọng tài quốc tế”, ông Kirby cho hay.

“Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), phán quyết của PCA là không thể thay đổi và ràng buộc về pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines”, ông Kirby cho biết thêm, đồng thời kêu gọi tất cả các bên có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông “tránh những hành động hay tuyên bố gây hấn”.

Nhưng Trung Quốc đã tuyên bố nước này “không chấp nhận và cũng không công nhận” phán quyết của PCA.

Mỹ, đồng minh của Philippines, không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng đã nhiều lần điều tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, áp sát những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Cũng trong ngày 12.7, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định phán quyết của PCA là “ràng buộc về pháp lý” và các bên buộc phải tuân thủ.

Ông Kishida cho biết thêm Tokyo ủng hộ thượng tôn pháp luật, áp dụng biện pháp hòa bình, chứ không phải sử dụng vũ lực hay áp bức để giải quyết tranh chấp trên biển.

Theo Phúc Duy (Thanh Niên Online)