Theo Times, ngay từ mùa hè 2016, khi các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lần đầu tiên nhìn thấy dấu hiệu Nga toan can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo, lập nên Nhóm ảnh hưởng Nga nhằm chống lại âm mưu Nga can thiệp chủ yếu ở châu Âu. Cuối xuân 2017, họ phát hiện Macedonia có thể là mục tiêu của Nga.
Ngày 12.6, các quan chức Macedonia và Hy Lạp tuyên bố đổi tên Macedonia thành Bắc Macedonia, nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp 30 năm giữa hai nước, từ việc Cộng hòa Macedonia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư cũ năm 1991, nhưng Hy Lạp phản đối tên gọi này vì nó trùng với một tỉnh phía bắc của Hy Lạp.
Một khi Macedonia đổi tên, Hy Lạp sẽ ngưng không cản nước này gia nhập khối Liên hiệp châu Âu (EU) và khối liên minh phòng thủ NATO do Mỹ dẫn đầu. Ngày 30.9, Macedonia đã thực hiện cuộc trưng cầu dân ý để đổi tên nước. Kết quả trưng cầu dân ý không rõ ràng và Quốc hội Macedonia sẽ phải quyết có nên gia nhập NATO hay không, có thể trong tuần này.
Mỹ ra đòn với “người của Điện Kremlin ở Hy Lạp”
Nhưng Nga không hài lòng, vì luôn lo lắng NATO áp sát biên giới Nga. 3 ngày sau thỏa thuận trên, tại một hội thảo ở Hy Lạp, một nhà ngoại giao cao cấp Nga phát cảnh báo phương Tây về ý định mời Macedonia tham gia NATO-EU. Đại sứ Nga tại EU Vladimir A.Chizhov nói: “Chắc chắn chúng tôi sẽ không phóng bom hạt nhân. Nhưng các sai lầm này sẽ có những hậu quả”.
Lời dọa của Đại sứ Chizhov liền được Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp, ông Geoffrey R.Pyatt gửi hàng loạt báo cáo về Washington, báo rằng Moscow đang tính can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý về việc Macedonia gia nhập EU-NATO.
Bộ Ngoại giao Mỹ, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Bộ chỉ huy quân Mỹ ở châu Âu (trụ sở ở thành phố Stuttgart, Đức) cũng được thông tin. Ngày 11.9, tức trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 30.9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis còn nói "không nghi ngờ gì" việc Moscow tài trợ các nhóm bên trong Macedonia để có chiến dịch chống lại sự thay đổi tên đất nước.
Ông Mattis từng nói: Chúng tôi không muốn thấy Nga lặp lại những gì đã làm ở nhiều quốc gia khác tại Macedonia. Họ chắc chắn đã chuyển tiền và đang tiến hành chiến dịch gây ảnh hưởng rộng”. Khi được hỏi liệu Mỹ có làm gì để chống Nga can thiệp hay không, ông đáp gọn “có” nhưng không cho biết chi tiết.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói đã chia sẻ thông tin cùng chính phủ Macedonia, Montenegro và Ukraine để chống Nga can thiệp và xuyên tạc ở các nước này.
Lúc đó, đã nổi lên những ý kiến phản đối cuộc trưng cầu ở Macedonia. Hàng trăm trang web kêu gọi cử tri tẩy chay bằng cách đốt lá phiếu. Các quan chức Mỹ và Macedonia nói đó là trò xuyên tạc truyền thống của các nhóm thân Nga.
Các cơ quan tình báo Mỹ chú ý đến “người của Kremlin ở Hy Lạp”: Tỉ phú Ivan Savvidis người Hy Lạp gốc Nga, là thành viên đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông còn là nghị sĩ Viện Duma quốc gia (Hạ viện Nga).
Savvidis làm giàu trước tiên nhờ một công ty thuốc lá Nga vốn có nhiều quyền lợi làm ăn ở miền bắc Hy Lạp. Ông ta còn là chủ câu lạc bộ bóng đá PAOK FC ở thành phố cảng Thessaloniki (nơi ông ta sống) của giải vô địch quốc gia Hy Lạp.
Trong một trận đấu năm nay, ông đeo súng ngắn và nhóm vệ sĩ tràn vào sân để phản đối, khiến đối thủ ở thủ đô Athens phải rời sân vì lo sợ cho tính mạng, trận đấu bị hủy.
Các quan chức Mỹ nói họ đã nghe lén điện thoại hồi tháng 6, cho thấy Savvidis giúp Nga phá hoại thỏa thuận Macedonia-Hy Lạp. Một quan chức cấp cao Mỹ nói các cơ quan tình báo Mỹ dễ dàng thu thập dữ liệu tài chính, cho thấy Savvidis đứng sau vụ trả tiền cho các công dân và fan bóng đá kích động bạo lực chống lại cuộc trưng cầu dân ý.
Theo tổ chức điều tra Dự án báo động tham nhũng-tổ chức tội phạm, Savvidis chi 300.000 euro (tương đương 350.000 USD) cho người phản đối Macedonia đổi tên thành Bắc Macedonia. Trong số những người nhận tiền có các chính khách Macedonia, các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và Vardar - một băng đảng côn đồ bóng đá (hooligan). Họ đã tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực trước trụ sở Quốc hội Macedonia ở thủ đô Skopje, lúc Macedonia-Hy Lạp thỏa thuận đặt lại tên nước của Macedonia hồi tháng 6.
Công ty của Savvidis ra tuyên bố cực lực phủ nhận các cáo buộc: “Hoàn toàn là vu khống, thất thiệt”.
Vui mừng với thắng lợi ngoại giao
Để trả đũa, các quan chức Mỹ tiến hành một hành động bất thường vào đầu tháng 7.2017: Đại sứ Mỹ Pyatt được giao nhiệm vụ chuyển thông tin nghe lén cho chính phủ cánh tả của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Times dẫn lời các quan chức Mỹ nói Đại sứ Pyatt đã rành chuyện này, vì ông từng làm Đại sứ tại Ukraine từ năm 2013 đến 2016, thời điểm Nga sáp nhập Crimea (năm 2014) và ủng hộ quân ly khai ở Đông Ukraine.
Thượng nghị sĩ Christopher S.Murphy (đảng Dân Chủ) thuộc Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói: “Pyatt biết hết các chiêu trò của Nga, ông đã cho vị đại sứ biết chuyện Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý của Macedonia, nhưng không tiết lộ chi tiết cuộc nói chuyện riêng này".
Nhưng việc hối thúc Thủ tướng Tsipras hành động thì chưa thể bảo đảm. Ông Tsipras - không ủng hộ Anh lên án Nga thực hiện vụ đầu độc cựu đại tá phản Nga Sergei Skripal hồi tháng 3- thuộc một đảng chính trị có truyền thống thân Nga.
Nhưng việc ông Tsipras muốn kết thúc vụ tranh chấp tên nước với Macedonia đã tạo điều kiện dễ dàng cho Mỹ. Ngày 11.7, chính phủ Hy Lạp trục xuất hai nhà ngoại giao Nga khỏi Athens, cấm hai nhà ngoại giao Nga khác đến Hy Lạp, cáo buộc họ thu thập và phát tán thông tin nhạy cảm, can thiệp nội bộ, gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
Theo nguồn tin, các nhân viên ngoại giao Nga bị cho có dính líu đến những cuộc biểu tình phản đối thỏa thuận đổi tên nước giữa Hy Lạp và Macedonia, đồng thời có ý hối lộ quan chức Athens.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp tuyên bố: “Những hành vi không tôn trọng Hy Lạp phải chấm dứt. Không ai có thể hoặc có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ của Hy Lạp”.
Sau đó, Nga tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Hy Lạp để trả đũa. Điều đó không cản Đại sứ Pyatt báo tin mừng. Các quan chức Mỹ xem việc vạch mặt Savvidis và vụ trục xuất hai nhà ngoại giao Nga là một thắng lợi hiếm hoi, trong nỗ lực chống Nga xuyên tạc các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Macedonia, ông Christopher R.Hill nói: “Chúng tôi đã đáp trả, cho thấy chúng tôi cũng có thể chơi cứng, có thể làm những việc mà trước đây chúng tôi không làm”.
Tháng 10.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Tsipras ở Nhà Trắng, bàn việc mở rộng sự hiện diện quân sự Mỹ tại Hy Lạp, gồm cho tàu chiến, máy bay được vào lãnh thổ nước này. Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ nói rõ là muốn kéo Hy Lạp khỏi quan hệ với Nga, xây dựng Hy Lạp như một cái neo cho sự ổn định ở Địa Trung Hải và phía tây Balkans.
Theo Trung Trực (Một Thế Giới)