Các lực lượng gồm đội dân quân và biệt kích mặc đồng phục Thổ Nhĩ Kỳ cùng số lượng lớn pháo binh đang tập trung gần Kobani, một thành phố của Syria nơi có đa số dân là người Kurd được Mỹ hỗ trợ. Thành phố này nằm giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ về phía bắc. Một quan chức Mỹ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sắp mở chiến dịch tấn công qua biên giới.
Động thái này dường như giống hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi mở chiến dịch tấn công vào đông bắc Syria năm 2019. Một quan chức khác của Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang tập trung vào vấn đề này và gây sức ép để họ kiềm chế".
Đầu tuần này, bà Ilham Ahmed, một quan chức trong chính quyền dân sự của người Kurd Syria, nói với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, rằng dường như Thổ Nhĩ Kỳ sắp mở chiến dịch quân sự, đồng thời thúc giục gây sức ép để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không điều quân qua biên giới.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là "thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế ở vùng đất của chúng tôi trước khi ông Trump nhậm chức. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công, hậu quả sẽ rất thảm khốc", Washington Post dẫn nội dung bà Ahmed viết trong bức thư gửi cho ông Trump.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington chưa trả lời đề nghị bình luận về thông tin này.
Mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ khiến Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo rơi vào tình thế khó khăn, vào thời điểm chỉ còn vài tuần trước khi Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi với Tổng thống Erdogan về tương lai của Syria và thuyết phục Ankara giảm các hoạt động chống lại lực lượng người Kurd.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán ngừng bắn giữa người Kurd Syria và phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Kobani mà Mỹ dàn xếp sụp đổ vào đầu tuần này, Lực lượng Dân chủ Syria cho biết.
“Đứng ở biên giới, có thể thấy lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung, và người dân của chúng tôi đang sống trong nỗi sợ hãi dai dẳng về nguy cơ sắp xảy ra”, bà Ahmed viết cho ông Trump.
Ngày 16/12, ông Trump nói ngụ ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn dựng cuộc tiếp quản của lực lượng đối lập HTS mà không tốn nhiều sinh mạng.
Sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad khiến Syria đứng trước tương lai bất định.
Bà Ahmed cảnh báo ông Trump, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, hơn 200.000 thường dân người Kurd sẽ phải di dời chỉ riêng ở Kobani, cùng với nhiều cộng đồng Cơ đốc giáo.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã rút một phần quân đội Mỹ khỏi vùng đông bắc Syria, mở đường cho chiến dịch tấn công quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng trăm nghìn người Syria thiệt mạng và phải di dời. Chính quyền Trump cuối cùng đã làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn, theo đó người Kurd phải nhượng lại nhiều kilomet vuông đất đai gần biên giới cho người Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù ông Trump phải chờ đến ngày 20/1 mới bắt đầu nhiệm kỳ mới, bà Ahmed thúc giục tổng thống đắc cử sử dụng "cách tiếp cận ngoại giao độc đáo" của mình để thuyết phục Tổng thống Erdogan dừng bất kỳ kế hoạch tấn công nào.
Israel tranh thủ tình hình
Ngày 17/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết lực lượng Israel sẽ ở lại vùng đệm thuộc vùng biên giới Syria cho đến khi có một thỏa thuận khác "đảm bảo an ninh cho Israel". Israel giành quyền kiểm soát khu vực này sau khi Tổng thống Syria Bashar Assad bị lật đổ.
Ông Netanyahu đưa ra tuyên bố này khi ông đang ở trên đỉnh núi Hermon trong đất Syria, nơi cách biên giới với Cao nguyên Golan mà Israel chiếm giữ khoảng 10 km. Có vẻ đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Israel đương nhiệm đặt chân đến Syria ở nơi xa như vậy.
Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết việc quân đội Israel đưa quân vào và hiện diện ở vùng đệm này là vi phạm thỏa thuận về thiết lập vùng đệm, bất kể họ hiện diện trong bao lâu.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)