Hết thời của Mỹ
Chiến lược An ninh quốc gia 2017 của Mỹ đã nhấn mạnh tới một trong những mối lo hàng đầu của nước này là sự phổ biến các loại vũ khí chính xác và giả rẻ. Với thực tế này, Mỹ đang tỏ rõ sự “hoảng sợ” bị mất sự thống trị trên các chiến trường.
Một đoạn điển hình trong văn kiện này được trang The National Interest trích dẫn: “Sự lan tràn của các vũ khí chính xác và giá rẻ và việc sử dụng các công cụ mạng đã cho phép các đối thủ nhà nước và phi nhà nước làm tổn hại tới Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Năng lực đó chống lại cái mà cho đến nay được coi là sự chi phối của Mỹ trên bộ, trên không, trên biển, trên vũ trụ và không gian mạng.
Chúng cũng cho phép các kẻ thù âm mưu tiến hành các cuộc tấn công chiến lược chống lại Mỹ - mà không cần viện tới các vũ khí hạt nhân - theo các cách có thể làm tổn hại tới nền kinh tế chúng ta và khả năng triển khai lực lượng quân đội của chúng ta”.
Giới phân tích Mỹ cho rằng đây là tín hiệu mừng vì các nhà hoạch định chính sách và quân sự của Mỹ đã chú ý sát sao tới việc Nga, và trong tương lai gần là Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, có được các vũ khí tấn công truyền thống tầm xa và có độ chính xác cao.
Trên thực tế, các khả năng này làm thay đổi bối cảnh chiến lược theo cách căn bản. Sau 1/4 thế kỷ Mỹ độc quyền về khả năng này, giờ đây Mỹ nhận thấy họ đang đứng trước tình cảnh khó khăn giống như Nga hay Trung Quốc đã đối mặt kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đó là mối đe dọa sử dụng vũ khí phi hạt nhân chiến lược.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hồi cuối năm 2013 rằng Nga đang tìm cách chế tạo các vũ khí truyền thống tầm xa, rất ít nhà phân tích Mỹ chú ý tới điều này.
Đến tháng 12/2014, Moscow công bố học thuyết quân sự mới để giới thiệu khái niệm răn đe phi hạt nhân và đã khiến một số người quan tâm. Tuy nhiên, niềm tin vào việc Nga không thể bắt kịp Mỹ quá lớn đến mức rất ít người coi đó là khả năng hiện thực với các hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ khi các tên lửa hành trình tầm xa phóng từ tàu chiến (SLCM) và tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay (ALCM) của Nga được triển khai trong cuộc chiến Syria, khi đó giới phân tích Mỹ mới bắt đầu để tâm.
Điều thật sự đáng chú ý là ngôn từ được sử dụng trong Chiến lược An ninh quốc gia mới của Mỹ có liên hệ chặt chẽ với ngôn từ trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia mới nhất của Nga.
Điều 15 của Chiến lược An ninh Quốc gia Nga ghi rõ: “Triển vọng của việc duy trì ổn định toàn cầu và khu vực đã bị thu hẹp đáng kể, kết quả của việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, cũng như thực hiện đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu và triển khai các vũ khí phi hạt nhân có độ chính xác cao mang tính chiến lược, và cũng như trong trường hợp triển khai các vũ khí trên vũ trụ”.
Mỹ lo đua vũ trang với Nga
Trên thực tế, khả năng sử dụng vũ khí truyền thống chiến lược của Mỹ là một cơn ác mộng với các nhà hoạch định quân sự của Nga kể từ năm 1999, khi vũ khí này được triển khai ở Balkan.
Phản ứng ban đầu của Nga đó là tăng cường dựa vào các vũ khí hạt nhân, vốn được giao sứ mệnh tấn công hạt nhân có giới hạn để đối phó với cuộc tấn công bằng vũ khí truyền thống quy mô lớn.
Giờ đây, tình hình đã thay đổi khi Mỹ đang chia sẻ mối lo ngại tương tự với Nga.
Theo tờ báo Mỹ, tin tốt lành ở đây là việc hai nước đứng ngang hàng nhau khiến đối thoại về kiểm soát vũ khí trở nên dễ dàng hơn.
Trong nhiều năm qua, Mỹ đã từ chối thảo luận về vũ khí truyền thống chiến lược tại các cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí. Đến năm 2013, mọi người đã nhận ra rằng quan điểm này đã lỗi thời và phản tác dụng với các lợi ích của Mỹ và rất nhiều nhà phân tích đã thể hiện quan ngại về các ý định của Nga.
Washington dường như đã bắt kịp với thực tế, điều giúp thiết lập một chương trình nghị sự chung cũng như mở ra triển vọng cho nỗ lực kiểm soát các vũ khí đó.
Trong khi đó, The National Interest cho rằng tin xấu ở đây là nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra. Nếu hai nước không thể khởi động đối thoại, Mỹ có thể tìm cách đáp trả.
Lời gợi ý gián tiếp cho lựa chọn đó được ghi trong yêu cầu của Chiến lược An ninh quốc gia 2017 của Mỹ, theo đó phải tạo ra “thế áp đảo”, một lực lượng “có khả năng hoạt động ở quy mô đủ lớn và trong thời gian dài để chiến thắng trong một loạt kịch bản”.
Vấn đề nghiêm trọng hơn đó là lực lượng này phải có khả năng “thuyết phục các đối thủ rằng chúng ta có thể và sẽ đánh bại họ, chứ không chỉ trừng phạt họ”.
Giới phân tích đánh giá điều này có vẻ giống như mệnh lệnh tiến hành cuộc chạy đua vũ trang - sự theo đuổi thế vượt trội mà một số lãnh đạo Mỹ từng theo đuổi (và không thể đạt được) trong thời Chiến tranh Lạnh.
The National Interest cho rằng Mỹ phải nắm rõ bài học về các vũ khí truyền thống chiến lược. Mỹ đã có được thế độc quyền trong vòng 24 năm, kể từ khi họ lần đầu tiên sử dụng chúng hồi năm 1991 chống lại Iraq, cho đến năm 2015 khi Nga lần đầu sử dụng chúng tại Syria.
Có thể thay vì theo đuổi một nỗ lực vô ích mới, và cân nhắc những giới hạn trong ngân sách, việc Mỹ tìm cách hạn chế thách thức của Nga (cũng như của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác) thông qua kiểm soát vũ khí là điều hợp lý hơn.
Xu hướng chính trị tại Mỹ dường như không ủng hộ lựa chọn này, nhưng The National Interest bày tỏ hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ ngày nay cũng “nhìn xa trông rộng” và có được sự "khôn ngoan" như những người tiền nhiệm của họ thời những năm 1970 và 1980.
Theo Đông Triều (Đất Việt)