“Nếu được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép, chúng tôi có thể sớm có thuốc kháng virus cho những người mắc COVID-19. Chúng tôi đã mua hàng triệu liều. Liệu pháp này sẽ là một công cụ mới để bảo vệ mọi người khỏi những hậu quả của COVID-19”, ông Biden nói.
Cùng ngày, Pfizer cho biết thuốc kháng virus thử nghiệm của hãng này - tên gọi Paxlovid - có thể giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh nặng (ví dụ: béo phì, cao tuổi).
Theo Reuters, thuốc Paxlovid có thể được cơ quan y tế Mỹ cấp phép sử dụng vào cuối năm nay. Pfizer cho biết hãng này có kế hoạch gửi kết quả thử nghiệm ban đầu lên FDA trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ vào ngày 25/11. Quá trình thử nghiệm kết thúc sớm do tỷ lệ thành công cao.
Thuốc viên của Pfizer được dùng kết hợp với một loại thuốc kháng virus cũ hơn gọi là Ritonavir. Đơn thuốc bao gồm 3 viên uống 2 lần mỗi ngày. Thuốc đã được phát triển trong gần hai năm.
Pfizer đang thảo luận tích cực với 90 quốc gia về các hợp đồng cung cấp thuốc viên đường uống, Giám đốc điều hành Albert Bourla cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Mục tiêu của chúng tôi là tất cả mọi người trên thế giới đều có thể có nó càng nhanh càng tốt,” Bourla nói.
Pfizer cho biết hãng này dự kiến sẽ sản xuất 180.000 liệu trình thuốc điều trị COVID-19 vào cuối năm nay và ít nhất 50 triệu liệu trình đến cuối năm sau, bao gồm 21 triệu liệu trình trong nửa đầu năm 2022. Thuốc kháng virus cần được sử dụng càng sớm càng tốt, trước khi virus tấn công người bệnh, để đạt hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, ngay cả khi có các loại thuốc kháng virus để điều trị COVID-19, thì theo các chuyên gia, việc ngăn ngừa nhiễm bệnh bằng vắc xin vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát đại dịch đã giết chết hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, bao gồm hơn 750.000 người ở Mỹ.
Grace Lee, Giáo sư nhi khoa tại Đại học Y khoa Stanford cho biết: “Vắc xin sẽ là công cụ hiệu quả và đáng tin cậy nhất mà chúng ta có trong đại dịch này. Những loại thuốc uống này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong, nhưng nó sẽ không thể ngăn ngừa nhiễm bệnh".
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)