Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) hôm 12/9 cho biết đã triển khai tiêm kích tàng hình F-22 chặn hai oanh tạc cơ Tu-95MS được hộ tống bởi các chiến đấu cơ Su-35S Nga ở phía tây bang Alaska, trong Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) của Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng động thái này có thể khiến những chiếc F-22 Mỹ gặp không ít rủi ro, theo Business Insider.
Chuyên gia quân sự Alex Lockie cho rằng lợi thế tàng hình của tiêm kích F-22 có thể bị vô hiệu hóa do các quy tắc ngăn chặn máy bay nước ngoài hiện nay. Theo quy tắc này, tiêm kích Mỹ phải tiếp cận phi cơ Nga, sau đó liên lạc qua vô tuyến và yêu cầu máy bay của Moskva quay đầu.
Khi thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, tiêm kích thường nghiêng cánh để phô trương dàn tên lửa, động tác có ý nghĩa răn đe đối phương. Tuy nhiên, F-22 không thể phô trương sức mạnh do toàn bộ vũ khí của nó được giấu trong thân. Chiếc F-22 áp sát oanh tạc cơ Nga hôm 12/9 chỉ gắn hai thùng dầu phụ bên ngoài, không có tác dụng đe dọa. Trong khi đó, tiêm kích Su-35S hộ tống oanh tạc cơ Nga lại có thể mang nhiều tên lửa hơn F-22 và không cần che giấu, gây tác dụng răn đe ngược.
Máy bay Mỹ và Nga từng nhiều lần chạm mặt trong ADIZ Alaska, nhưng oanh tạc cơ Nga chưa bao giờ xâm phạm không phận Mỹ, hai bên cũng tiến hành các hoạt động áp sát một cách chuyên nghiệp và an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng song phương đang gia tăng, hai bên vẫn có nguy cơ phát sinh những sự cố bất ngờ từ những tính toán sai lầm.
Nếu một sự cố bất ngờ khiến giao tranh nổ ra, tiêm kích F-22 Mỹ sẽ rơi vào tình thế hết sức bất lợi, khi nó nằm trong tầm nhìn thị giác của phi công Su-35S Nga và không thể dựa vào khả năng tàng hình để ẩn nấp.
Dù được trang bị hệ thống đẩy vector (TVC) với hai động cơ tương đối mạnh, khả năng cơ động của F-22 vẫn thua kém so với những chiếc Su-35S. Phi công Nga có thể nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí công kích có lợi, đe dọa khả năng sống sót của những chiếc F-22 do chúng không được thiết kế cho những trận đánh cận chiến truyền thống.
Lockie cho rằng khả năng hai bên nổ ra không chiến khi Mỹ thực hiện các vụ chặn oanh tạc cơ Nga là rất thấp, do hai bên đều không muốn gây ra tình huống xung đột quân sự trực diện.
Ngoài ra, trong những lần chạm mặt này, Nga cũng có thể thu thập hàng loạt dữ liệu tình báo về F-22, bổ sung cho dữ liệu mà họ ghi nhận được từ những cuộc chạm trán trên bầu trời Syria, nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các mẫu tiêm kích tàng hình của Mỹ. "Có khả năng phi đội Tu-95MS được hỗ trợ bởi nhiều máy bay do thám ở gần đó", chuyên gia quân sự Alessandro Olivares nhận định.
"Trong các vụ chặn máy bay Nga, Mỹ chỉ cần triển khai tiêm kích thế hệ 4 như F-15 và F-16, không nhất thiết phải sử dụng những chiếc F-22 và F-35", chuyên gia Justin Bronk tại Viện Quân đội Hoàng gia Anh nhấn mạnh.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)