Nhận định này được tạp chí Mỹ đưa ra sau khi giới quân sự Nga tuyên bố sẵn sàng bắn hạ bất cứ mục tiêu nào kể cả của Mỹ nếu gây nguy hiểm cho căn cứ và binh sĩ Nga tại Syria.
Business Insider cho rằng, cơ sở để Mỹ tự tin như vậy là dựa vào bộ ba tên lửa HARM, JSOW và tên lửa MALD.
Vậy, những vũ khí này có thể hạ hệ thống phòng không S-400 theo cách nào? Vũ khí đầu tiên Không quân Mỹ sẽ sử dụng là tên lửa MALD.
Tên lửa MALD có thể phát tín hiệu phát xạ gây nhiễu làm lẫn lộn các mục tiêu trên không đối với các đài radar phòng không của đối phương và tái tạo chính xác các tín hiệu gây nhiễu từ một máy bay tàng hình. Bằng cách đó, nó làm cho phòng không Nga không phân biệt được mục tiêu thật/giả.
MALD được triển khai từ một máy bay. Trong suốt hành trình bay trên không phận của kẻ thù, nó di chuyển theo một đường bay được lập trình từ trước (có thể tái lập trình) và tạo ra khoảng 100 mục tiêu giả khác nhau trong phạm vi tác chiến.
Khi đó, các hệ thống phòng không đối phương không thể phân biệt được một số lượng quá lớn mục tiêu, bị quá tải và bị gây nhiễu chủ động.
Ngoài ra, MALD cũng tái tạo lại tín hiệu giả của các pháo đài bay như B-52H hay máy bay tàng hình như B-2 Spirit. Theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự Mỹ, MALD có thể thách thức hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Tạp chí Business Insider cho biết, sau khi hệ thống phòng không của đối phương bị gây nhiễu và không phân biệt đâu là mục tiêu thật giả, tên lửa AGM-88 HARM chống radar bắt đầu nhập cuộc.
Để tăng độ chính xác khi diệt mục tiêu, AGM-88 được tích hợp hệ thống kiểm soát mục tiêu HCSM của Không quân Mỹ, nhằm nâng cao khả năng chính xác và giảm thiệt hại phụ trong quá trình sử dụng.
HCSM được trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS cùng thiết bị đo quán tính IMU giúp nó có khả năng tấn công chính xác mục tiêu, dù bị tác động bởi mọi hình thức gây nhiễu nào đi nữa.
Tên lửa chống radar cao tốc AGM-88 là một trong những vũ khí quan trọng của Không quân Mỹ trên chiến trường, nó giúp tiêu diệt hệ thống radar cảnh giới của đối phương, bảo vệ an toàn cho các đợt không kích của Quân đội Mỹ trước hệ thống phòng không của kẻ địch.
AGM-88 sử dụng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối. Nguyên lý chung của loại vũ khí này là, bám theo cánh sóng radar để đánh vào đài anten máy phát. Với tốc độ cực cao, kích thước nhỏ, AGM-88 là bài toán khó đối với hệ thống đánh chặn đối phương.
Trong chiến đấu, AGM-88 sẽ phá hủy trạm radar trên bộ (hoặc tàu chiến), qua đó khống chế hệ thống phòng không đối phương. Tiếp đó, tên lửa (bom liệng) JSOW tiếp tục nhập cuộc.
Tên lửa AGM-154 JSOW được thiết kế không có động cơ tên lửa, loại đạn này chủ yếu sử dụng các cánh ổn định và cánh ngang (được bung ra sau khi đạn rời bệ phóng) để bay lượn theo quán tính có được sau khi rời bệ phóng từ máy bay trước khi tiếp cận mục tiêu.
JSOW cho phép những tiêm kích của Mỹ được trang bị có thể tung ra những đòn tấn công tiêu diệt các căn cứ, hệ thống phòng không của đối phương.
Theo nhà sản xuất Raytheon, JSOW có khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau với sai số trượt mục tiêu CEP chỉ 3 m, có thể mang nhiều loại đầu đạn và tấn công cả các mục tiêu kiên cố bên trong các hầm ngầm.
Với đòn phối hợp của bộ 3 vũ khí kể trên, tạp chí Business Insider cho rằng sẽ không có bất cứ mục tiêu nào có thể thoát đòn tấn công Mỹ dù đó là hệ thống S-400 tối tân của Nga.
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)