Mỹ bắt đầu phát triển dòng máy bay cường kích hạng nhẹ mới Scorpion

26/07/2016 08:33:00

Ngày 25-7, theo trang tin quân sự Flightglobal, Bộ Quốc phòng Mỹ và hãng chế tạo Textron AirLand đã đạt được thỏa thuận phát triển và thử nghiệm dòng máy bay cường kích hạng nhẹ mới Scorpion.

Ngày 25-7, theo trang tin quân sự Flightglobal, Bộ Quốc phòng Mỹ và hãng chế tạo Textron AirLand đã đạt được thỏa thuận phát triển và thử nghiệm dòng máy bay cường kích hạng nhẹ mới Scorpion.

Theo thỏa thuận trên, Textron AirLand sẽ phát triển máy bay Scorpion theo các đề xuất kỹ chiến thuật do Lầu Năm góc cung cấp. Nếu các nguyên mẫu dòng máy bay cường kích mới này được Lục quân Mỹ chấp nhận, Scorpion sẽ dần thay thế các máy bay A-10 hiện có.

Từ các thông tin công khai, máy bay cường kích Scorpion được phát triển đáp ứng hai yêu cầu chính của Bộ Quốc phòng Mỹ là nhu cầu về dòng máy bay cường kích mới và máy bay huấn luyện hạng nhẹ. Dòng máy bay mới này dài 13,3m và có sải cánh rộng 14,4m. Tổng trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay đạt 9,6 tấn.

Mỹ bắt đầu phát triển dòng máy bay cường kích hạng nhẹ mới Scorpion - Ảnh 1.

Máy bay cường kích yểm hộ hỏa lực mặt đất A-10 Thunderbolt II được thiết kế theo tư duy tác chiến tổng lực đã lạc hậu. Toàn bộ các hệ thống trên máy bay đều xoay quanh pháo bắn nhanh 30mm nằm ở phần mũi.

 
Mỹ bắt đầu phát triển dòng máy bay cường kích hạng nhẹ mới Scorpion - Ảnh 2.
Máy bay cường kích Scorpion đáp ứng yêu cầu của Quân đội Mỹ về dòng máy bay hạng nhẹ, chi phí sử dụng rẻ và mang vũ khí tấn công chính xác.

Các chuyên gia Textron AirLand giới thiệu, máy bay cường kích Scorpion có thể đạt tốc độ bay tới 833km/giờ và tầm hoạt động khoảng 4.400km. Scorpion có 6 móc treo dưới thân và cánh để lắp bom và tên lửa nặng 2,8 tấn.

Điểm mạnh của máy bay Scorpion là sự đơn giản hóa. Toàn bộ trang bị quan trọng của máy bay như kết cấu khung thân, động cơ đều là các sản phẩm đang được sử dụng trên các dòng máy bay thương mại.

Chính vì thế, chi phí chế tạo mỗi máy bay Scorpion ước khoảng 20 triệu USD và chi phí mỗi giờ bay chỉ khoảng 3.000 USD. Trong khi đó, chi phí chế tạo mỗi máy bay A-10 hiện vào khoảng 27,8 triệu USD (theo tỷ giá năm 2016) và chi phí mỗi giờ bay lên tới 13.000 USD.

Theo Tuấn Sơn (Qdnd.vn)