Muôn màu truyền thuyết Hồ ly tinh trong văn hóa Trung Quốc và Việt Nam

20/11/2018 14:53:00

Hồ ly tinh khi đạt tới cảnh giới cao nhất – hoá thành người – thường vô cùng xinh đẹp, thông minh, có sức quyến rũ kì lạ. Các Hồ ly tinh thường sử dụng ưu điểm đó để dẫn dụ đàn ông và sau đó sẽ tìm cách để hút hồn hay hút máu đối phương cho đến chết, thậm chí có khi còn ăn thịt họ…

Cáo xuất hiện ở 42 trong tổng số 358 câu chuyện ngụ ngôn của Aesop. Cáo thường được mô tả như là một con vật nhanh nhẹn, tinh ranh và có năng lực thích nghi tuyệt vời, được coi là biểu tượng của sự thông minh trong hầu hết các nền văn hóa.

Muôn màu truyền thuyết Hồ ly tinh trong văn hóa Trung Quốc và Việt Nam
Cáo (Hồ ly) xuất hiện một cách dày đặc trong hầu hết các nền văn minh nhân loại

Trong thần thoại của nền Văn minh Lưỡng Hà giai đoạn sơ khai, Cáo là một trong những con vật linh thiêng và là sứ giả của nữ thần Ninhursag. Những người Moche cổ (Bắc Peru, niên đại 100-800) thường mô tả Cáo trong nghệ thuật của họ như là một chiến binh khôn ngoan bậc nhất.

Trong thần thoại Scotland, Dia Griene, con gái của Thần Mặt trời bị giam giữ dưới Địa Ngục nhưng thường lẻn trở lại trần gian trong hình dạng một con Cáo, dẫn đến Cáo được coi là biểu tượng của sự biến đổi.

Tuy nhiên, một vai trò khác của Cáo đã được thể hiện rõ ràng trong văn hóa dân gian Đông Á: biểu tượng của Sự quyến rũ.

Trong thần thoại Trung Quốc, Cáo là một trong năm loài động vật thuộc Âm linh cùng với Chồn, Nhím, Rắn và Chuột. Quan niệm của người Trung Quốc cho rằng, thói quen hoạt động về đêm của những loài vật này mang lại cho chúng nhiều năng lượng âm, từ đó sở hữu những quyền năng đặc biệt theo thời gian và nhờ sự tu luyện.

Tài liệu đầu tiên ghi chép về sự tồn tại của Cáo chín đuôi (Cửu vĩ hồ) là trong cuốn Sơn Hải Kinh (Truyền thuyết Núi và Biển), một bộ sưu tập các thần thoại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 1 TCN. Cuốn sách kể về sự tồn tại của một ngọn núi (Phù Lộc Sơn) được bao phủ bởi vàng và ngọc bích. Và trên đỉnh của ngọn núi, chủ nhân của nó là một con Cáo chín đuôi.

Muôn màu truyền thuyết Hồ ly tinh trong văn hóa Trung Quốc và Việt Nam - 1
Cảnh giới cao nhất của Hồ ly tinh - Cửu vĩ thiên hồ là chúng có thể hóa thành người, thường là những nữ nhân vô cùng xinh đẹp

Học giả triều đại nhà Thanh, Kỷ Hiểu Lam (1724–1805) viết rằng: Hồ ly tinh trong truyền thuyết hoặc tự tu luyện, hoặc có cao nhân chỉ điểm mà hấp thu tinh hoa trời đất để thành tinh. Đặc điểm nổi bậc nhất của những con hồ ly tinh là chúng có thể hóa thành dạng người và thường là những cô gái đẹp.

Theo truyền thuyết dân gian hay lưu truyền nhất, hồ ly là loài cáo có thể tu hành luyện đạo. Chúng tu luyện 100 năm thì ba cái đuôi sẽ mọc ra và được gọi là Yêu Hồ, tu luyện 1000 năm thì chuyển sang loài Lục vĩ ma hồ (Cáo ma 6 đuôi). Và cứ như vậy, khi đến được cảnh giới cao nhất là 9 đuôi Cửu vĩ thiên hồ thì chúng có thể hóa thành người. Mỗi chiếc đuôi là một mạng. Muốn giết chết một Hồ ly thì phải chặt hết đuôi của chúng trước.

Hồ ly tinh khi hoá thành người thường vô cùng xinh đẹp, thông minh, có sức quyến rũ kì lạ. Các Hồ ly thường sử dụng ưu điểm đó để dẫn dụ đàn ông và sau đó sẽ tìm cách để hút hồn hay hút máu đối phương cho đến chết, thậm chí có khi còn ăn thịt họ.

Màu lông của Hồ ly tinh khác hẳn so với loài cáo thường. Tùy theo số năm tu luyện mà chúng đổi màu theo đó. Tương truyền, lông của Cửu vĩ hồ thường có màu đỏ tươi như máu. Hồ ly thường sống trong các hang động lạnh vì chúng ưa lạnh. Mỗi khi ra khỏi hang động Hồ ly đều thay đổi hình dạng. Chỉ khi chết chúng mới trở lại y nguyên hình dạng của một con cáo.

Muôn màu truyền thuyết Hồ ly tinh trong văn hóa Trung Quốc và Việt Nam - 2
Hồ ly tinh trong thân xác Đát Kỷ - hình tượng nổi tiếng nhất và quen thuộc nhất trong văn hóa Trung Quốc

Hình tượng nổi tiếng nhất của Cửu vĩ hồ là lần xuất hiện trong tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa (sáng tác vào thời nhà Minh). Theo đó nó là một yêu tinh, được Nữ Oa ra lệnh mê hoặc Trụ Vương của nhà Thương. Cửu vĩ hồ đã chiếm hữu thân thể Đát Kỷ và buộc nàng phải làm theo lệnh.

Cuối cùng, Đát Kỷ bị Khương Tử Nha giết chết còn Cửu vĩ hồ cũng bị Nữ Oa trừng phạt do nó đã làm những việc tàn ác không đúng với mệnh lệnh ban đầu. Trong các câu chuyện sau này, một Cửu vĩ hồ đã chiếm hữu thân thể Bao Tự giống như đã làm với Đát Kỷ và dẫn đến sự sụp đổ của triều Tây Chu và mở ra thời kỳ Đông Chu.

Vào đầu thời nhà Đường, Hồ ly là một dạng linh vật thiêng liêng. Sách Triều dã thiêm tái có ghi nhận về tục thờ Hồ ly của dân chúng. Đương thời có câu ngạn ngữ rằng: "Không có Hồ ly, thì không có thôn xóm", có thể thấy tính chất thần thánh của Hồ ly thời này. Trong dân gian có thuyết Ngũ đại tiên, nơi Hồ ly tinh được gọi là Hồ tiên

Hồ ly tinh trong truyền thuyết Việt Nam

Truyền  thuyết về Lê Thái Tổ - Lê Lợi từng có 1 câu chuyện liên quan đến Hồ ly tinh. Chuyện kể rằng, trong một lần lẩn trốn sự truy bắt của giặc Minh ở Lam Sơn, Lê Thái Tổ thấy một cô gái mặc váy trắng chết trôi sông. Dù trong tình cảnh nguy hiểm, Lê Thái Tổ vẫn tiến hành chôn cất tử tế cho nữ nhân xấu số này.

Khi quân Minh truy sát tới gần, bỗng có một con cáo trắng chạy từ đâu ra đánh lạc hướng giặc. Lê Thái Tổ cho rằng đó chính là hóa thân của cô gái đã cứu mình. Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ phong ân nhân cứu mạng làm Thần hộ quốc và cho làm một bức tượng hình cô gái có nửa thân là cáo chín đuôi, đặt tại Võ ban trong Điện - gọi là Hồ ly phu nhân.

Bức tượng Hồ ly phu phân này sau đó từng được mô tả trong Vũ trung Tùy bút của nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỉ 18 Phạm Đình Hổ.

TẦM HOAN (SHTT)

Nổi bật