Đài CNN ngày 2-5 cho biết Nghị sĩ Luke Messer ở bang Indiana là người dẫn đầu cuộc vận động này. Hiện có 18 nghị sĩ cùng đề cử ông Trump cho giải Nobel hòa bình 2019, vì những đóng góp trong việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Trong bức thư gửi Ủy ban Nobel, nhóm nghị sĩ trên cho rằng ông Trump nên "nhận giải Nobel hòa bình 2019 để ghi nhận nỗ lực chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đem lại hòa bình cho khu vực này".
Vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã có cuộc gặp gỡ được mô tả "lịch sử" tại khu vực phi quân sự ở Bàn Môn Điếm, vùng ranh giới giữa hai miền Triều Tiên.
Chiến tranh Triều Tiên giai đoạn 1950 – 1953 tạm kết thúc với thỏa thuận ngừng bắn, nhưng ông Kim và ông Moon đã nhất trí kết thúc chiến tranh, mở đường chính thức ký hiệp ước hòa bình.
Các nghị sĩ Mỹ trong khi đó cho rằng diễn biến ở hai miền Triều Tiên mang dấu ấn từ "áp lực" mà chính quyền ông Trump đã áp lên Triều Tiên.
Bức thư có đoạn như sau: "Kể từ lúc nhậm chức, Tổng thống Trump đã làm việc không mệt mỏi để gây áp lực tối đa lên Triều Tiên, nhằm kết thúc chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp của họ và đem lại hòa bình cho khu vực".
Quy định đề cử giải Nobel được nhận xét khá lỏng lẻo. Những đề cử chỉ có thể được đưa ra từ những người thuộc về một số tổ chức ít ỏi, bao gồm thành viên của cơ quan lập pháp các nước, các giáo sư đại học hoặc người từng được trao giải Nobel. Dù vậy, không có hạn chế nào khác được đưa ra khi đề cử.
Năm 2018, có 330 ứng viên được đề cử Nobel và kết quả sẽ có trong tháng 12 tới đây. Trước đó Chiến dịch Quốc tế về tiêu hủy vũ khí hạt nhân được trao giải Nobel hòa bình năm 2017.
Báo chí Anh và Mỹ nhận xét rằng ông Messer, người "hăng hái" đề cử cho ông Trump nhất, hiện đang tích cực thể hiện để được vào Thượng viện Mỹ. Ngoài ra các nghị sĩ bảo thủ khác như Mark Meadows (Bắc Carolina) hay Steve King (Iowa) cũng ký vào bức thư đề cử cho Tổng thống.
Theo Nhật Đăng (Tuổi Trẻ)