Giải Nobel Hoà bình năm 2016 đã được trao cho Tổng thống Colombia nhờ đàm phán thành công thoả thuận hoà bình với lực lượng nổi dậy FARC, chấm dứt nhiều thập kỷ bất ổn ở nước này.
Thông báo của Uỷ ban Nobel Nauy nói ông Santos được giải vì những “nỗ lực quyết liệt để chấm dứt hơn 50 năm nội chiến mà khiến ít nhất 220.000 người Colombia chết và khiến gần 6 triệu người phải rời khỏi nơi ở của mình".
Giải thưởng này, theo uỷ ban, nên coi như là sự ghi nhận đối với nhân dân Colombia, những người “chịu nhiều đau khổ và ngược đãi...nhưng vẫn không từ bỏ hy vọng về hoà bình”.
Tổng thống Columbia Juan Manuel Santos. Ảnh: AP |
Ông Santos đã khởi xướng các cuộc đàm phán dẫn tới việc ký kết thoả thuận hoà bình giữa chính phủ Colombia và lực lượng du kích FARC. Dù biết rằng thoả thuận này sẽ gây tranh cãi khi có quá nhiều nạn nhân bị lực lượng FARC sát hại trong suốt 50 năm qua, ông Santos vẫn kiên trì theo đuổi thoả thuận hoà bình này.
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm ở Colombia là một trong những cuộc nội chiến kéo dài nhất trong lịch sử.
Kết quả này gây bất ngờ vì chưa đầy một tuần trước đó, người dân Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình này trong cuộc trưng cầu dân ý. Các bên dự kiến sẽ phải tiến hành đàm phán lại thoả thuận hoà bình này.
Đã có những lo ngại bạo lực có thể trở lại nếu lực lượng FARC từ chối trở lại bàn đàm phán. Uỷ ban Nobel thừa nhận kết quả trưng cầu này không như ý với ông Santos và tạo ra nhiều dấu hỏi với tương lai của Colombia.
“Điều này khiến việc các bên tôn trọng thoả thuận ngừng bắn càng trở nên quan trọng,” Thông cáo của Uỷ ban nói. Theo Uỷ ban thì kết quả của cuộc trưng cầu không đồng nghĩa với “tiến trình hoà bình đã chết”.
Nội chiến ở Colombia là một trong những nội chiến kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại và hiện là cuộc xung đột vũ trang duy nhất còn tiếp diễn ở châu Mỹ.
Theo Uỷ ban Nobel, dù thất bại trong trưng cầu dân ý, thoả thuận hoà bình của ông Santos đã khiến “cuộc xung đột đẫm máu tiến gần hơn tới giải pháp hoà bình”.
Chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay được lựa chọn từ danh sách 376 đề cử, bao gồm 228 cá nhân và 148 nhóm, nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, danh tính cụ thể các đề cử được giữ bí mật và 50 năm sau khi trao giải mới công bố, tương tự như các giải Nobel khác.
Từ năm 1901 đến 2015, giải Nobel Hòa bình được trao 96 lần cho các cá nhân và nhóm. Năm 2015, Ủy ban Nobel Na Uy gây bất ngờ khi trao giải thưởng cho Bộ Tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia vì những nỗ lực của nhóm này nhằm mang lại nền dân chủ cho đất nước Bắc Phi.
Người Việt Nam duy nhất được trao giải Nobel Hòa bình là ông Lê Đức Thọ, đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Paris 1973. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa lập lại tại Việt Nam. Ông cũng là người duy nhất trong lịch sử giải thưởng này từ chối nhận giải.
Theo Đ.Phong (Zing.vn)