Obama và Trump, hai người có phong cách và đại diện cho những giá trị trái ngược nhau, vô tình đến châu Âu gặp Thủ tướng Đức vào cùng thời điểm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu ngày 25/5 bằng cuộc gặp tại Berlin với tổng thống thứ 44 của Mỹ - người mà bà gọi là "Barack đáng mến". Chiều cùng ngày hôm đó, bà có cuộc gặp ở Brussels với tổng thống 45 của Mỹ, Donald Trump, người mà bà chào đón với lời nhắc nhở nghiêm khắc về việc tôn trọng các giá trị chung như bình đẳng và tự do, theo NYTimes.
Ông Obama đến Berlin trong dịp kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của nhà thần học Đức Martin Luther. Ông được hàng chục nghìn người chào đón nồng nhiệt tại cổng Brandenburg. Cuộc gặp diễn ra với không khí nồng ấm, khi cựu tổng thống Mỹ ca ngợi những việc làm của bà Merkel, không chỉ ở Đức mà trên khắp thế giới, đặc biệt với người tị nạn.
Chỉ hai giờ sau đó, bà Merkel là một trong những lãnh đạo châu Âu chào đón ông Trump tại trụ sở của NATO ở Brussels, nơi chỉ có những lời nói bình thường chứ không nồng ấm được trao đổi. Tân Tổng thống Mỹ lại một lần nữa chỉ trích các đồng minh vì không đóng góp đủ cho quốc phòng của liên minh.
Thủ tướng Đức Merkel và cựu tổng thống Mỹ Obama tại Berlin, Đức. Ảnh: Reuters |
Đối với người châu Âu, sự kết hợp này là một lời nhắc nhở không thể tránh khỏi về sự tương phản giữa hai người - phong cách cá nhân, mối quan hệ của họ với các đồng minh cùng các giá trị và ưu tiên mà họ đại diện.
Trong khi ông Obama là lãnh đạo mà châu Âu thích, sự trỗi dậy đột ngột của ông Trump được coi như một thách thức về cam kết của Mỹ đối với châu Âu, về cả sự thống nhất và an ninh của khu vực này, cũng như các giá trị củng cố liên minh phương Tây, NYTimes nhận xét.
Các quan chức chính phủ Đức nói rằng bà Merkel đã điện thoại cho ông Trump để thông báo về việc bà gặp hai người trong cùng một ngày, để khiến ông không có ấn tượng xấu. Thực tế, sự trùng hợp này là ngẫu nhiên. Đức đã mời ông Obama đến dự sự kiện cách đây một năm, trước khi ông Trump đắc cử nhưng cựu tổng thống Mỹ mới chấp thuận lời mời vào tháng trước.
Thông thường, chuyến đi của cựu lãnh đạo thường ít được chú ý và chủ yếu là các hoạt động như nhận giải thưởng. Tuy nhiên, trường hợp của ông Obama lại rất khác. Tuy ông Obama thường tránh công khai đưa ra các tuyên bố mang tính chính trị, tất cả hành động, cử chỉ và phát ngôn sau khi rời nhiệm sở của ông đều được quan tâm.
Việc Obama và Merkel ngồi bên nhau vào ngày 25/5 không thể tránh khỏi bị đặt trong bối cảnh chính trị, đặc biệt là khi Thủ tướng Đức đang tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tháng 9.
Ông Obama đã đặt bước đầu tiên trở lại với sân khấu thế giới vào đầu tháng này, tại một hội nghị về công nghệ và thực phẩm ở Milan, nơi ông thể hiện sự ủng hộ với cựu thủ tướng Italy trung tả Matteo Renzi, người đang ra tranh cử lại.
Ông Obama không hề đề cập đến ông Trump trong bài phát biểu kéo dài 90 phút tại Berlin. Tuy nhiên, ông đã có một số ám chỉ, chẳng hạn như khi nói về vấn đề người di cư, ông nói "chúng ta không thể trốn sau bức tường", ám chỉ đến kế hoạch ông Trump xây dựng bức tường dọc theo biên giới Mexico.
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel tại trụ sở NATO, Brussels. Ảnh: Reuters |
Tại Brussels, bà Merkel đã phát biểu giới thiệu về một mảnh vỡ của bức tường Berlin (sụp đổ vào tháng 11/1989) được đặt tại trụ sở mới của NATO như một vật tưởng niệm. Bà Merkel nói rằng bức tường chia cách đất nước đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bà trong nhiều năm. Bà nói rằng bà đã học được rằng thành công không nằm ở các bức tường mà nằm ở những xã hội mở được xây dựng dựa trên các giá trị chung.
Tại buổi lễ nói trên, ông Trump cũng phát biểu khi đứng trước vật tưởng niệm vụ khủng bố 11/9 là mảnh vỡ Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới. Vụ khủng bố này là lần đầu tiên các đồng minh NATO kích hoạt Điều 5, điều khoản bảo vệ tập thể (toàn bộ liên minh sẽ bảo vệ nước thành viên trong trường hợp nước này bị tấn công) - điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu đang hy vọng ông Trump sẽ cam kết thực hiện.
Vật tưởng niệm vụ khủng bố 11/9 |
Thay vào đó, ông Trump không lãng phí thời gian để nhắc nhở châu Âu rằng hầu hết họ chưa đóng góp đủ cho ngân sách của NATO và rằng điều này "không công bằng" đối với người đóng thuế ở Mỹ.
Trong khi bầu không khí ở Brussels đang căng thẳng, tại Berlin, người Đức và người nước ngoài hân hoan khi có dịp trực tiếp nhìn thấy Obama.
Austin Joseph, 27 tuổi, người gốc Atlanta, cho biết anh đã rời khỏi Mỹ hai ngày sau khi ông Trump đắc cử và định cư tại Berlin. "Họ nói chuyện với nhau một cách lịch sự và tôn trọng", ông nói sau khi ông Obama xuất hiện với bà Merkel. "Đó là điều chúng ta cần ngày nay".
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)