Bang Gujarat là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng COVID-19 thứ 2 ở Ấn Độ. Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 tại bang này đã tăng lên gần 470.000, và hơn 6.000 ca tử vong do dịch bệnh.
Trong tình hình căng thẳng như vậy, một bệnh viện ở thành phố Ahmedabad của Gujarat đã quyết định cầu thần linh phù hộ, trong khi ở phía bên ngoài bệnh viện là hàng trăm xe cấp cứu chở bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đang rồng rắn nối đuôi nhau. Hình ảnh đã được dân mạng Ấn Độ chia sẻ vào đầu tuần trước.
Cụ thể, bệnh viện được nhắc tới ở trên là bệnh viện Dân sự của thành phố Ahmedabad, với sức chứa 1.200 giường bệnh và là cơ sở lớn nhất của thành phố này được chuẩn bị về cơ sở vật chất để đối phó với đại dịch.
Theo đoạn video được dân mạng chia sẻ, các tu sĩ đã tập trung quanh "lửa thiêng" trong khuôn viên bệnh viện và tụng những câu chú bằng tiếng Phạn để cầu nguyện cho dịch bệnh COVID-19 chết người tan biến.
Đoạn video cầu nguyện được chia sẻ trên mạng xã hội thậm chí còn khiến một số người dân Ấn Độ thêm hoảng sợ, khi họ bắt đầu hoài nghi về việc liệu các bác sĩ còn giữ vững niềm tin vào khoa học và y tế hay không. Tuy nhiên, một số người tỏ ý ủng hộ việc tổ chức nghi lễ cầu nguyện; họ cho rằng bất cứ điều gì mang lại sự yên bình (trong tâm trí) trong thời điểm khó khăn này đều có thể được cân nhắc.
Hiện tại, Ấn Độ đã bước vào mùa hè. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, các bệnh viện đang quá tải vì bệnh nhân trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.
Gujarat không chỉ phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị y tế và giường bệnh, mà bang này cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu xe chở tang và khu hỏa táng thi thể.
Tình trạng thiếu thốn không chỉ là gánh nặng tâm lý đối với bệnh nhân và thân nhân của họ, mà còn là gánh nặng đối với các y bác sĩ ở tuyến đầu.
Bộ Y tế Ân Độ hôm 24/4 tiếp tục ghi nhận thêm 346.786 ca mắc COVID-19 mới và 2.624 ca tử vong mới do dịch bệnh trong vòng 24 giờ qua, tiếp tục lập kỷ lục buồn kể từ khi đại dịch bùng phát. Đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng hơn 16,61 triệu ca mắc COVID-19, trong đó bao gồm gần 190.000 ca tử vong./.
Theo Hồng Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)