Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều các cuộc tranh luận liên quan tới việc triển khai và ứng dụng thực tế khái niệm: "Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu" của Mỹ trên các trang mạng Nga cũng như diễn đàn phân tích quân sự nước ngoài.
Một số chuyên gia khẳng định rằng, phần lớn các tổ hợp tên lửa S-400 mới được bàn giao cách đây không lâu cho các lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, cũng như những tổ hợp S-300V4 cho các đơn vị phòng không của Lục quân Nga sẽ làm giảm khả năng "xuyên phá" không phận của Nga xuống tới mức gần bằng 0.
Điều này có phần đúng, bởi vì tại các không phận then chốt và "Chống xâm nhập/chống tiếp cận" (A2/AD) như Kaliningrad, Saint Peterburg, Moscow và Misnk, những nơi mà mật độ bố trí các đơn vị tên lửa phòng không của Nga đã đạt tới mức tối đa.
Nói cách khác, các tổ hợp tên lửa phòng không Nga có thể bao phủ tất cả những khu vực tầm thấp trên Vịnh Phần Lan, thành phố Saint Peterburg và khu vực lân cận, không cho phép các tên lửa hành trình như JASSM-ER hay Tomahawk hoặc NSM "vượt qua" một cách dễ dàng.
Một vài khu vực thậm chí còn được không chỉ một hoặc hai mà ba đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ.
Gần như mỗi một đơn vị tên lửa S-300/400 đều có những phương tiện phòng không tầm ngắn tự hành bổ trợ ("Tor-M2U", "Pantsir-S1") để bảo vệ khu vực "bán kính chết" từ 2 đến 5km trước những vũ khí tấn công chính xác cao của đối phương khi các tổ hợp phòng không tầm xa hơn để "lọt lưới".
Trong khi đó, không phận phía Tây nước Nga lại là một khu vực vô cùng rộng lớn và không thể được bao trùm như các khu vực "A2/AD" thuộc tỉnh Kaliningrad và Leningrad.
Do vậy, sẽ có những khu vực không phận của Nga ít được bảo vệ hơn, đó là nơi không có các cơ sở quân sự quan trọng sống còn cũng như các trung tâm năng lượng và công nghiệp của Nga.
Tại đây, mật độ các phương tiện phòng không được giảm thiểu xuống mức tối đa. Có nhiều không phận tầm thấp không được các thiết bị radar mặt đất phủ sóng. Đó là những phần không phận nằm ở phía Nam tỉnh Leningrad và phía Bắc tỉnh Pskov.
Trong khi tại những không phận nói trên có một lỗ hổng phòng không lớn thì chỉ cách đó về phía Tây khoảng 100 km là khu vực đóng quân của các lực lượng vũ trang NATO tại vùng Baltic – nước cộng hòa Estonia.
Không phận của quốc gia này có thể được sử dụng để phóng lên các tên lửa cận âm, siêu âm chính xác cao, khiến những đơn vị phòng không của Nga không kịp trở tay.
Để vô hiệu hóa được các cuộc tấn công này là điều không hề đơn giản chút nào. Xét tới việc các tên lửa chiến thuật "tàng hình" tầm xa AGM-158B có khả năng tiếp cận tới tận lưu vực sông Volga và thành phố Nizny Novgorod (Nga), thì hậu quả của một cuộc tấn công như thế có thể sẽ vô cùng đau đớn.
Thật tốt nếu như trong khu vực tiếp giáp Châu Âu của Nga có đủ các phương tiện phòng không và chiến tranh điện tử để đánh chặn từng bước tất cả những tên lửa nói trên cũng như vô hiệu hóa các thiết bị định vị GPS và TERCOM của chúng.
Còn nếu như số lượng hoặc mật độ bố trí các phương tiện phòng không và chiến tranh điện tử dọc đường bay của những quả tên lửa "Tomahawk" và JASSM-ER không đủ thì sẽ ra sao? Nó có thể mang đến rất nhiều những bất ngờ đầy khó chịu.
MiG-31BM – tấm lá chắn bù đắp hiệu quả
Theo các chuyên gia, có một cách hiệu quả để thoát khỏi tình huống "đầy khó chịu" này là tăng cường sử dụng không quân phòng không, cụ thể là các máy bay đánh chặn tầm xa nâng cấp - MiG-31BM.
Loại máy bay này có khả năng phát hiện được các mục tiêu có tiết diện phản xạ sóng radar 0,05m2 ở khoảng cách từ 90 – 110 km.
Nó có thể bắt đầu đánh chặn bằng các tên lửa "không đối không" R-33S/37 trên cơ sở sử dụng tổ hợp radar độc lập "Zaslon-AM" hoặc theo chỉ thị mục tiêu từ những trạm radar "bay" Shmel-M đặt trên các máy bay trinh sát A-50U.
Những khả năng của MiG-31B/BM trong việc tiêu diệt các tên lửa hành trình bay tầm thấp của đối phương từ lâu đã trở thành giá trị được chứng minh qua nhiều thử nghiệm thực tế gần giống với điều kiện chiến đấu trên không.
Đáng chú ý hơn cả của phiên bản nâng cấp "BM" là khả năng tiêu diệt các vật thể đạn đạo tốc độ cao (tên lửa cũng như đầu đạn của chúng) tại những điểm khác nhau trong quỹ đạo bay.
Tính năng này ở phiên bản nâng cấp đầu tiên với mã số "Sản phẩm 05" được chuyên trang thông tin phân tích và tra cứu toad-design.com về các máy bay phản lực MiG chia sẻ.
Trong mục "Zaslon Radar" có nêu rằng, trạm radar "Zaslon-M" với đường kích 1,4m kết hợp với các tên lửa không chiến R-37 có thể đánh chặn những tên lửa đạn đạo tầm trung MGM-31C "Pershing-2" có tầm bắn lên tới 1.800 km.
Khả năng này được tích hợp trong phiên bản nâng cấp đầu tiên của "Zaslon" (Zaslon-M) do chiếc máy tính cũ "Argon-15A" với tần suất hoạt động khoảng 500 nghìn thao tác/giây và bộ nhớ RAM/ROM là 4 và 64Kb tương ứng điều khiển.
Chỉ chừng đó cũng đã đủ để chỉ dẫn chính xác nhằm vào đầu đạn của "Pershing-2" bay chậm với vận tốc 3,5 - 4,5 Mach ở giai đoạn cuối (tại độ cao 25-30km).
Trong khi đó, các máy bay MiG-31BM tối tân được trang bị hệ thống radar "Zaslon-AM", được điều khiển với hệ thống máy tính "Baget-55" hiện đại hơn và công suất lớn hơn gấp hàng trăm lần với tốc độ 300Mhz.
Chừng ấy đủ để "đánh chặn" và tiêu diệt các mục tiêu có tốc độ siêu thanh hơn, khoảng 1.770m/s, gồm cả máy bay tấn công/do thám tiên tiến SR-72 của Lockheed Martin với các vũ khí siêu thanh của nó.
Có thể kết luận rằng, những cuộc không chiến tiềm ẩn đầy rủi ro với đầy rẫy các vũ khí "thông minh" trong kỷ nguyên mới nhắc nhở Nga một điều rằng, chỉ nâng cấp các phương tiện phòng không mặt đất thôi là chưa đủ!
Theo Bảo Lam (Soha/Trí Thức Trẻ)