MH370biến mất không dấu vết 5 năm trước nhưng một giả thuyết sốc đã hé lộ lý do thực sự đằng sau vụ mất tích bí ẩn này.
Trong bộ phim tài liệu “Chuyến bay MH370” phát trên kênh Channel 5, nhà tư vấn quản lý rủi ro, tiến sĩ Sally Leivesley cho rằng MH370 có thể là nạn nhân của khủng bố mạng.
Theo giả thuyết này, hệ thống máy tính chủ của máy bay có thể đã bị truy cập và xâm nhập thông qua một chiếc điện thoại di động hoặc USB trong hệ thống giải trí trên máy bay.
“Cốt lõi của giả thuyết này là máy bay đã bị máy móc điều khiển chứ không phải con người. Những con chip trong hệ thống điện tử có thể đã điều khiển buồng lái và những con chip đó có thể có phần mềm độc hại. Các điều khiển trông có vẻ đúng, nhưng bên dưới có một hệ thống khác thực sự điều khiển máy bay” - tiến sĩ Leivesley phỏng đoán.
Theo cách này, phi công MH370 có thể bị ru ngủ trong một cảm giác an toàn sai lầm khi nghĩ rằng họ đang điều khiển máy bay theo một hướng, nhưng thực tế họ đã bay theo hướng khác.
Chuyên gia an ninh hàng không Jim Termini nói trong bộ phim tài liệu rằng một cuộc tấn công mạng, mặc dù ít khả năng, nhưng không phải là không thể.
“Cuộc tấn công mạng sẽ là cuộc tấn công cực kỳ tinh vi và vào thời điểm này dường như là điều khó xảy ra nhất, nhưng chỉ vì chúng ta chưa thấy nó trước đó” - ông Termini nói.
“Cũng như trước ngày 11.9.2001, chúng ta sẽ không bao giờ hình dung được rằng một chiếc máy bay có thể được sử dụng hiệu quả như một tên lửa hành trình để tấn công New York và Washington, nhưng tất nhiên điều đó đã xảy ra” - chuyên gia này phân tích.
Ông Termini nghĩ rằng có thể đó là một vụ không tặc, nhưng có thể xảy ra theo một số cách khác nhau.
Chuyên gia đưa ra 4 khả năng về kẻ không tặc: một thành viên phi hành đoàn, một hành khách, một người không có tên trong danh sách lên máy bay hoặc một người xâm nhập điện tử dưới mặt đất.
Trong khi đó, tiến sĩ Leivesley chỉ ra rằng tài liệu về danh sách những người tiếp cận MH370 bị mất vài giờ trước khi máy bay cất cánh, do đó có khả năng một kẻ phá hoại đã lẻn vào máy bay và thực hiện vụ tấn công mạng.
Chuyên gia tư vấn nói: “Từ những báo cáo của chính phủ Malaysia, chúng tôi biết rằng có hoạt động bảo trì trong tháng 2.2014, nhưng trong thời điểm ngay trước khi cất cánh, chúng tôi không có dữ liệu. Chúng tôi cần biết ai đã tiếp cận máy bay”.
“Liệu có cơ hội nào để một ai đó lẻn lên máy bay với một chiếc USB hoặc một cách nào đó để thực hiện cuộc tấn công mạng, để máy bay không bao giờ đến đích? Giả thuyết này là có khả năng vì như thế đồng nghĩa với việc các nhà điều tra sẽ không bao giờ tìm ra nguyên nhân vụ mất tích bí ẩn MH370” - bà Leivesley nói.
Theo Khánh Minh (Lao Động)