Theo FreeMalaysiaToday, cựu lãnh đạo hàng không dân dụng của Malaysia, Azharuddin Abd Rahman tuyên bố rằng Malaysia đã từ chối dẫn đầu cuộc điều tra về vụ bắn hạ máy bay MH17 vì nước này còn chịu trách nhiệm nghiên cứu, điều tra vụ máy bay MH370 biến mất.
Ông Azharuddin Abd Rahman là nhân vật chủ chốt trong việc điều tra cả vụ máy bay MH17 lẫn MH370 dưới vai trò là người đứng đầu của cục Hàng không dân sự Malaysia khi xưa.
Theo vị quan chức này, chính phủ Hà Lan nắm giữ nhiệm vụ dẫn đầu cuộc điều tra vụ bắn rơi máy bay Boeing 777 của Malaysia khi máy bay bay qua Ukraine. Các nước khác nằm trong nhóm điều tra còn có cả Anh và Mỹ.
Ông Azharuddin Abd Rahman cho biết theo nguyên tắc của hàng không dân sự quốc tế, nước xảy ra sự việc, Ukraine nên dẫn đầu cuộc điều tra “nhưng họ từ chối đi vào khu vực xảy ra sự việc ở vùng còn đang tranh chấp”.
“Chúng tôi nghiên cứu vụ MH370 khi đó. Và chúng tôi quá xa Donetsk”, ông Azharuddin Abd Rahman cho biết về lý do về việc Malaysia từ chối điều tra vụ MH17.
Trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên về lý do Malaysia không dẫn đầu cuộc điều tra vụ máy bay MH17 bị bắn hạ cũng như giữ các dữ liệu về hộp đen của máy bay, ông Azharuddin Abd Rahman cho rằng: “Cục an toàn Hà Lan đã công bố báo cáo đầy đủ sự việc vài năm sau những gì đã xảy ra”.
Ông Azharuddin Abd Rahman tuyên bố, dữ liệu hộp đen của MH17 đã được khôi phục và giao lại cho chính phủ Hà Lan. “Chúng tôi sau đó đã giao hộp đen máy bay cho chính phủ Hà Lan”, ông Rahman cho biết đồng thời khẳng định rằng mọi chứng cứ, thông tin về vụ việc do chính phủ Hà Lan giữ nhằm nghiên cứu điều tra về vụ bắn hạ MH17.
Ông Rahman năm ngoái từ chức sau cuộc điều tra về sự mất tích của MH370.
MH370 biến mất đêm 8/3/2014 sau khi bất ngờ chuyển hướng khỏi lộ trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Malaysia bị chỉ trích ngay trong những ngày đầu tiên của thảm họa do công bố hàng loạt thông báo khó hiểu và mâu thuẫn.
Nhà chức trách Malaysia cho biết MH370 biến mất khỏi radar dân sự, có thể do hệ thống cho phép theo dõi vị trí trên phi cơ đã bị tắt, nhưng vẫn xuất hiện trên radar quân sự trong một khoảng thời gian khi nó chuyển hướng bay sang phía tây về Ấn Độ Dương.
Quân đội Malaysia sau đó không có hành động nào, khiến các thân nhân hành khách tức giận vì một cơ hội theo dấu MH370 đã bị bỏ lỡ.
Báo cáo điều tra trích dẫn dữ liệu radar cho biết một đốm sáng "phù hợp" với dữ liệu trên radar quân sự đã xuất hiện trên màn hình radar dân sự vài lần trong khoảng 30 phút sau khi MH370 chuyển hướng. Tuy nhiên, nó không nhắc đến bất cứ phản ứng nào từ phía các cơ quan dân sự về đốm sáng này.
Sau khi MH370 mất tích bí ẩn, nhiều giả thuyết đã được đặt ra cho vụ việc. Ngoài những giả thuyết như cơ trưởng gây nên vụ tự sát, máy bay gặp trục trặc kỹ thuật, còn nhiều người cho rằng máy bay mất tích vì trở thành nạn nhân của một vụ khủng bố mạng.
Theo Tiến sĩ Sally Leivesley, mạng máy tính chính của máy bay có thể đã bị xâm nhập thông qua điện thoại di động hoặc kết nối USB trong hệ thống giải trí trên máy bay.
"Điểm cốt lõi của giả thiết là kế hoạch (bắt cóc MH370) phụ thuộc vào máy móc chứ không phải con người. Trong hệ thống điện tử điều hành buồng lái có những con chíp. Trong những con chíp này có thể có phần mềm độc hại. Theo đó, các phi công có thể bị đánh lừa rằng họ đang đi đúng hướng nhưng thực ra họ lại bay theo một hướng khác. Hệ thống điều khiển máy bay có vẻ hoạt động trơn tru nhưng thực ra có một hệ thống khác đang điều khiển máy bay", Tiến sĩ Sally Leivesley chia sẻ.
Theo Vũ Thu Hương (Nguoiduatin.vn)