Mexico xem xét truy tố tội phản quốc với người bắt cóc trùm ma túy giao cho FBI

14/08/2024 14:07:57

Giới chức công tố Mexico cho biết họ sẽ xem xét truy tố người giao nộp trùm ma túy Ismael “El Mayo” Zambada cho Mỹ tội phản quốc.

Mexico xem xét truy tố tội phản quốc với người bắt cóc trùm ma túy giao cho FBI
Ismael Zambada (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Ismael Zambada xuất hiện trên chuyến bay hạ cánh xuống El Paso, bang Texas (Mỹ). Quan chức Mỹ cho biết Joaquin Guzman Lopez, con trai trùm ma tuý Joaquin “El Chapo” Guzman đã bắt cóc Ismael Zambada và đưa ông ta tới Texas giao nộp cho FBI, sau đó bay tới Mỹ để đầu thú.

Tuy vậy, giới chức Mexico cho biết họ đang xem xét khả năng truy tố Guzman và những người liên quan tới vụ bắt cóc Ismael Zambada tội phản quốc, theo AP.

Văn phòng Tổng công tố Mexico hôm 11/08 cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự "về tội tổ chức chuyến bay trái phép, sử dụng sân bay trái phép, vi phạm quy định về di cư và hải quan, bắt cóc, phản quốc và các tội danh khác".

Theo Luật hình sự Mexico, tội phạm phản quốc có thể phải nhận mức án tối đa 40 năm tù. Điều luật về tội phản quốc quy định những hành vi vi phạm, chẳng hạn như "tấn công Mexico theo yêu cầu của thế lực nước ngoài" hoặc "tham gia quân đội nước ngoài", nhưng cũng quy định hành vi này "được thực hiện bởi những người bắt cóc trái pháp luật một người ở Mexico để giao nộp cho giới chức một nước khác".

Điều luật kể trên dường như được đưa ra sau vụ bắt cóc một bác sĩ Mexico bị cáo buộc tham gia vào vụ tra tấn và giết hại đặc vụ Lực lượng Chống Ma túy Mỹ Kiki Camarena vào năm 1985. Bác sĩ Humberto Machain bị bắt cóc tại Mexico vào năm 1990 và giao nộp cho nhà chức trách Mỹ, khiến giới chức Mexico thời điểm đó tức giận.

Luật sư của Ismael Zambada công bố bức thư từ thân chủ nói rằng ông ta bị "mai phục và bắt cóc" sau khi rời khỏi nơi lẩn trốn để đi gặp thống đốc bang Sinaloa, sau đó bị đưa tới Mỹ.

Zambada cho biết Guzman đề nghị ông ta gặp gỡ các chính trị gia địa phương, bao gồm thống đốc Sinaloa Ruben Rocha Moya vào ngày 25/07. Tuy vậy, ông ta bị dẫn tới một căn phòng, bị đánh đập, trùm mặt nạ lên đầu, bị còng tay và áp giải bằng xe tải tới sân bay. Ông ta sau đó bị đưa lên chuyên cơ cùng Guzman Lopez tới Mỹ.

Bức thư dấy lên câu hỏi về mối liên hệ giữa các trùm ma túy và một số chính trị gia ở Sinaloa, nhưng thống đốc Richa Moya phủ nhận liên quan tới giới tội phạm, đồng thời cho biết thời điểm vụ bắt cóc xảy ra ông không có mặt tại Sinaloa.

Văn phòng Tổng công tố Mexico cho biết đã tiếp nhận vụ việc từ giới chức bang Sinaloa. Về khả năng thống đốc Richa Moya có thể liên quan, văn phòng cho biết đã "liên lạc với ngài thống đốc để tìm hiểu thông tin", nhưng chưa triệu tập ông để lấy lời khai.

Guzman Lopez được cho là đã thương lượng với giới chức Mỹ trong một thời gian dài về khả năng ra đầu thú. Anh ta không nhận tội buôn ma túy và các cáo buộc khác ở tòa án cấp liên bang tại thành phố Chicago.

Giới chức Mỹ cho biết họ không được báo trước khi máy bay của Guzman Lopez hạ cánh tại thành phố El Paso, đồng thời cũng không nghĩ rằng anh ta đi cùng. Hai người bị bắt và bị tạm giữ chờ ngày xét xử các tội danh liên quan tới ma túy. Ismael Zambada hồi đầu tháng đã ra tòa tại bang Texas (Mỹ).

Hoài An (SHTT)