Động thái này được xem là phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Mexico nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trước một hành động bị cho là đơn phương và sai lệch về mặt địa lý.
Trong buổi họp báo sáng cùng ngày, Tổng thống Sheinbaum xác nhận đơn kiện đã được gửi đi nhưng từ chối tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể. Bà khẳng định Mexico sẽ theo đuổi vụ kiện này đến cùng, coi đây là một phần trong nỗ lực bảo vệ danh xưng quốc tế cũng như hình ảnh quốc gia trên các nền tảng số.
Tranh cãi bùng lên sau khi ngày 8/5, Hạ viện Mỹ – hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật đổi tên Vịnh Mexico thành “Vịnh Mỹ” với 211 phiếu thuận và 206 phiếu chống. Dự luật này cho phép tất cả tài liệu, bản đồ và hồ sơ liên bang Mỹ sử dụng tên gọi mới, đồng thời yêu cầu các cơ quan chính phủ cập nhật thông tin dưới sự giám sát của Bộ trưởng Nội vụ - Doug Burgum.
Động thái trên được cho là nhằm hiện thực hóa chính sách ngoại giao cứng rắn của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, phía Mexico lập luận rằng sắc lệnh hành pháp của ông Trump chỉ có hiệu lực đối với phần thềm lục địa nằm trong lãnh thổ Hoa Kỳ và không thể áp đặt lên toàn bộ khu vực Vịnh Mexico – một vùng biển mang tính chất quốc tế và giáp nhiều quốc gia.
Hồi tháng 2, Tổng thống Sheinbaum từng lên tiếng cảnh báo Google về khả năng có hành động pháp lý nếu tên gọi “Gulf of America” không bị gỡ bỏ khỏi Google Maps. Mặc dù phía Google chưa chính thức phản hồi, nhưng việc duy trì tên gọi gây tranh cãi này đã châm ngòi cho phản ứng quyết liệt từ phía chính phủ Mexico.
Trong bối cảnh hai nước láng giềng Bắc Mỹ vẫn đang căng thẳng vì một loạt chính sách áp thuế và rào cản thương mại, vụ kiện lần này có thể làm phức tạp thêm quan hệ song phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc tranh chấp không chỉ là vấn đề ngôn ngữ trên bản đồ, mà còn phản ánh sâu sắc mâu thuẫn địa chính trị và chủ quyền quốc gia trong kỷ nguyên số.
Theo Vũ Linh (Pháp luật & Xã hội)