Thảm án trong căn hộ triệu USD
Bước ra khỏi chiếc xe sang trọng trong bãi đỗ xe ở sân bay quốc tế Kennedy, Mỹ, người đàn ông 46 tuổi tên John List định không bao giờ quay trở lại nơi đây.
Khi đó, trong căn biệt thự đắt tiền Breeze Knoll của John List ở Westfield, chiếc máy hát vẫn đang chạy những bản nhạc mà mọi người trong gia đình thường hay nghe. Không ai hay, một vụ thảm sát vừa xảy ra, tất cả thành viên trong gia đình người đàn ông này đã chết. Khi đó là tháng 10/1971.
Mọi chuyện chỉ được biết đến khi một người hàng xóm của gia đình List sống ở căn biệt thự 431 Hillside để ý thấy đèn trong biệt thự Breeze Knoll luôn sáng và không thấy một bóng người. Cảm thấy có điều gì đó bất ổn, người hàng xóm quyết định thông báo cho cảnh sát.
Cảnh sát có mặt tại khu biệt thự, sau khi thăm dò xung quanh nhưng không có ra mở cửa, họ tìm cách vào bên trong thông qua cửa sổ tầng một. Trong phòng ăn họ phát hiện những vết đen như vết máu dính trên tường. Và lần theo những vết đó, đi dọc theo hành lang chính dẫn đến các phòng khác, một mùi khó chịu sộc lên.
Vết đen dừng lại ở phòng khiêu vũ, bên cạnh lò sưởi, các nhân viên cảnh sát bất ngờ khi thấy bốn chiếc túi ngủ Boy Scout được xếp chồng lên nhau, mùi kinh khủng bốc ra từ đó. Họ hoảng hốt khi phát hiện 4 xác người bên trong từng chiếc túi ngủ. Dựa vào vết máu trên sàn, có thể kết luận các nạn nhân đã bị giết ở những phòng khác trước khi bị kéo tới đây. Người hàng xóm nhanh chóng nhận ra đó chính là Helen List và ba đứa trẻ.
Để kiểm tra hết 19 phòng còn lại trong căn biệt thự, cảnh sát mất khá nhiều thời gian. Trong căn phòng rộng cuối hành lang tầng 2, họ phát hiện xác bà Alma, mẹ John List. Bà Alma nằm trên sàn với một chiếc khăn phủ trên mặt. Bà chết với nhiều phát đạn trên đầu.
Người vợ Helen có thể bị bắn chết ở nhà bếp trong bộ váy ngủ trước khi bị kéo đến phòng khiêu vũ. Cánh tay có có nhiều vết máu. Ba đứa trẻ mặc áo khoác mùa đông, có thể chúng vừa đi ra ngoài về.
Người duy nhất trong gia đình không bị sát hại chính là John List. Tuy nhiên, không ai có thể liên lạc được với anh khi vụ việc được phát hiện.
Lá thư thú tội
Tiếp tục lục soát căn biệt thự rộng lớn, cảnh sát tìm thấy hai khẩu súng và lá thư thú tội. Theo đó, John List nhận là thủ phạm, nói mới bị mất việc, vì thế gặp vấn đề lớn về tiền bạc. Trước đó, hắn là một kế toán giỏi.
Ngoài ra, hắn còn có rất nhiều lo lắng khác. Là người mộ đạo, hắn lo sợ rằng gia đình mình đang trên đà xa dần đức tin. Hắn không đồng ý con gái chọn nghề diễn viên, coi rằng đó là chuyện vô đạo đức trầm trọng. Hắn biện hộ rằng đã đưa gia đình đến một nơi để cứu rỗi tâm hồn họ.
Trong bức thư, John List tiết lộ thêm một số chi tiết về cái chết của đứa con trai cả, rằng có sự giằng co và giây phút cuối cùng trước khi rời đi, hắn đã cầu nguyện.
Ngay lập tức cảnh sát truy nã toàn quốc với John List. Hồ sơ vụ án được gửi đến cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Nhưng suốt thời gian dài, cảnh sát không nhận được thông tin nào liên quan thủ phạm. Thời điểm này, xuất hiện 2 luồng ý kiến: có thể hung thủ đã tự tử sau khi thực hiện tội ác, hoặc đã trốn chạy sang một vùng đất mới.
Cảnh sát liên tục kiếm tìm nhưng suốt 18 năm, không có dấu vết khả thi của John List được tìm thấy.
Kế hoạch trốn chạy hoàn hảo
Khi vụ án đang đi vào bế tắc, đến năm 1989, những nhà thực thi pháp luật của New Jersey nghĩ ra hướng điều tra mới. Họ đã liên hệ với nhà sản xuất chương trình truyền hình “Những tên tội phạm truy nã nguy hiểm nhất nước Mỹ” để trợ giúp.
Ban đầu ý tưởng của họ bị từ chối nhưng sau đó chương trình đồng ý đăng tải hình ảnh của List.
Khi nhận được sự hợp tác của nhà sản xuất thì lại có một vấn đề khác nảy sinh, đó chính là hình ảnh của List để đăng tải lên truyền hình. Bởi khi hắn giết người và bỏ trốn đến nay đã gần 20 năm điều đó cũng có nghĩa là hắn sẽ già đi và thay đổi hình dáng. Sau nhiều ngày thảo luận, cảnh sát đã gặp nghệ sĩ điêu khắc pháp y Frank Bender, người đã giúp cảnh sát bắt những tên tội phạm đào tẩu nhiều năm hay phác họa những thi thể bị phân hủy…
Nhà điêu khắc bắt đầu vào cuộc bằng cách xem những bức hình của List, nghiên cứu bức hình của cha mẹ hắn và sau đó dự đoán sự thay đổi của List hiện nay. Và sau một thời gian nghiên cứu và tưởng tượng, nhà điêu khắc Frank Bender đã hoàn thành một bức tượng bán thân mô phỏng List ở thời điểm đó.
Thật bất ngờ khi hình ảnh của List được phát trên truyền hình và ngay hôm sau cảnh sát nhận cuộc điện thoại nói họ là hàng xóm của tên tội phạm trên truyền hình. List đã bị bắt vào ngày 1/6/1989 tại nơi làm việc với một danh tính hoàn toàn khác, Robert "Bob" Peter Clark.
Khi mới bị bắt, List liên tục phủ nhận mình không phải là người mà cảnh sát đang tìm. Nhưng cho dù hắn có thay tên đổi họ, cho dù hình dáng của hắn đã thay đổi thì có một thứ không thể thay đổi hay đúng hơn hắn không nghĩ tới đó chính là dấu vân tay. Khi kết quả so sánh dấu vân tay của Peter Clark và John List là một thì hắn biết không thể che giấu được nữa. List cúi đầu thừa nhận mình chính là John Emil List.
Tại tòa án, John List khai sau khi sát hại toàn bộ gia đình, hắn chuyển đến Denver. Tại đây, hắn cưới vợ mới và làm lại giấy tờ cá nhân dưới cái tên Robert Peter Clark. Sau đó ít lâu, hai người chuyển tới sống tại thành phố Richmond. John List tìm được việc về kế toán và sống suốt 18 năm ở đó.
Sau này ở trong tù khi bất cứ ai gọi tên Peter Clark, hắn đều đính chính lại hắn là John List. Khi được hỏi tại sao lấy đi mạng sống của những thành viên khác mà ông ta thì không, List nói hắn đã từng tự tử nhưng không thành vì thế hắn tin rằng Chúa chưa cho phép mình chết.
John List bị kết 5 tội giết người cấp độ 1 và bị phạt tù chung thân. Ngày 21/03/2008, hắn đã chết trong tù ở tuổi 83 vì bệnh viêm phổi.
John List là con trai duy nhất của một gia đình gốc Đức. Hắn lớn lên với sự bao bọc đến mức độc đoán của mẹ. Theo các nhà tâm lý học, thủ phạm đã phải trải qua một tuổi thơ đầy sự thất vọng và căm ghét việc bị kìm kẹp bởi những người phụ nữ. Hắn giết người trong trạng thái đầy tức giận và để trả thù cho sự thất bại của mình.
Theo Thu Hương (Nguoiduatin.vn)