Một trong những tiêu chí quan trọng là Việt Nam có quan hệ nồng ấm với tất cả các nước trong tiến trình đối thoại về hạt nhân Triều Tiên, mà hạt nhân là Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc.
Trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat gần đây, TS Viet Phuong Nguyen, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về quản lý nguyên tử và an ninh quốc tế tại Trung tâm khoa học và quan hệ quốc tế Belfer, Trường Kennedy thuộc ĐH Harvard, chỉ ra rằng, cải cách kinh tế thành công của Việt Nam trong những năm 1980 cũng được các quan chức Triều Tiên dẫn ra làm mô hình có thể áp dụng cho các chính sách kinh tế mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hệ thống chính trị của Việt Nam và Mỹ tuy khác biệt nhưng Mỹ đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ khi cấm vận được gỡ bỏ năm 1995.
Ngoài ra, khoảng cách địa lý không xa giữa Bình Nhưỡng và Hà Nội và kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tổ chức và bảo đảm an toàn cho các hội nghị quốc tế giúp những thành phố của Việt Nam như Hà Nội trở thành lựa chọn tối ưu cho một sự kiện phức tạp và đòi hỏi yêu cầu an ninh cao như cuộc gặp thượng đỉnh lần hai của ông Trump và ông Kim.
Cơ hội tốt
Khi thượng đỉnh Trump – Kim thứ hai diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều lợi ích đáng kể trong các quan hệ song phương và đa phương.
Ngày 6/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong Thông điệp Liên bang đề cập đến việc Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào ngày 27-28/2 tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp thượng đỉnh lần hai.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hoà bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
“Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, phối hợp với các bên liên quan để cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai thành công, góp phần vào mục tiêu nói trên”, bà Hằng nói.
Về quan hệ song phương, việc sẵn sàng tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy và sự ủng hộ cho giải pháp hòa bình đối với khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ củng cố quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như quan hệ truyền thống với Triều Tiên.
Về quan hệ đa phương, kể từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã duy trì nguyên tắc “là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, chủ động tham gia vào các tiến trình hợp tác khu vực và quốc tế”.
Vì thế Việt Nam đã và đang nỗ lực để khẳng định vai trò trong các vấn đề khu vực và quốc tế thông qua việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quốc tế hay vận động để được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Thượng đỉnh Trump- Kim lần thứ nhất tại Singapore là sự kiện rất thành công, giúp chuyển tải thông điệp về một đất nước thịnh vượng và xinh đẹp Singapore trên tất cả các kênh truyền thông lớn của thế giới và được chia sẻ rộng rãi trên tất cả các mạng xã hội như Facebook hay Twitter trong và sau khi sự kiện diễn ra.
Ngay cả khi hội nghị lần này kết thúc mà không đạt được đột phá nào – khả năng dễ xảy ra vì những khác biệt lớn giữa Mỹ và Triều Tiên về tiến trình phi hạt nhân hóa và tình hình lộn xộn trong chính quyền Trump – Việt Nam vẫn gặt hái được nhiều lợi ích từ việc tổ chức một sự kiện hiếm khi xảy ra như vậy.
Những lợi ích song phương và đa phương như trên là quá đủ để Việt Nam đóng vai trò chủ động hơn trong các vấn đề quốc tế, bắt đầu bằng việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)