Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có lần thứ hai gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Việt Nam.
Chủ nhân Nhà Trắng có thể tái diễn bầu không khí hồi hộp, những canh bạc cân não và những hứa hẹn xa xôi như trong cuộc gặp đầu tiên với ông Kim. Tỷ phú địa ốc và ngôi sao truyền hình thực tế một thời của Mỹ sẽ kiểm chứng liệu tập tiếp theo của cuộc gặp có thể thành công như "bản gốc" hồi tháng 6/2018 hay không.
"Ngày Chuột chũi"
Trong năm thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump dự kiến sẽ tiếp tục một số nỗ lực chính sách ông từng đeo đuổi suốt hai năm qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo các bước đi sắp tới chỉ là "bổn cũ soạn lại". Tổng thống Mỹ có thể chỉ làm mới những "tập phim" cũ mà ông đã trình diễn trên chính trường trong nửa đầu nhiệm kỳ.
Ông sẽ khởi đầu bằng vòng đàm phán mới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 27-28/2 này tại Việt Nam. Những vấn đề then chốt như bức tường biên giới và cắt giảm thuế sẽ tái diễn. Việc tập trung vào những điểm nhấn chính sách này một phần thể hiện mong muốn hoàn thành những lời hứa mà ông Trump đã đề ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Bên cạnh đó, chính trị gia 72 tuổi cũng muốn thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo việc ông Trump sử dụng lại những lá bài chính trị này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
"Dư luận có thể bắt đầu nhận ra họ đang xem bộ phim 'Ngày Chuột chũi'", Douglas Brinkley, sử gia chuyên về các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, đề cập đến bộ phim năm 1993 của nam diễn viên hài Bill Muray để ví von. Bộ phim nói về một phóng viên truyền hình bị kẹt lại trong vòng lặp thời gian, với mọi sự kiện trong ngày mãi lăp đi lặp lại không thay đổi.
"Bạn cứ nghĩ rằng mình sắp chiến thắng, nhưng rồi lại không phải thế. Chúng ta không đoán trước được liệu ông Trump có ghi được dấu ấn trường tồn trong lịch sử hay không", Brinkley trả lời AP.
Bậc thầy truyền thông
Tổng thống Trump có nhiều kinh nghiệm làm truyền hình thực tế và khả năng chi phối tin tức. Nhà lãnh đạo Mỹ thời gian qua tỏ ra rất thành thạo trong việc xây dựng hình ảnh của mình trước dư luận Mỹ. Ông thể hiện được quyền lực, trong khi không khí gây cấn thì không thiếu.
Điều này được thể hiện rõ trong cách Tổng thống Trump tiếp cận vấn đề Triều Tiên cả trong quá khứ và hiện tại. Ông luôn tìm ra cách để thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ và thế giới thông qua những động thái mang dấu ấn cá nhân.
Sau liên tiếp những màn đấu khẩu và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân với Triều Tiên năm 2017, Tổng thống Trump tháng 3/2018 bất ngờ cắt ngang một cuộc họp báo tại Nhà Trắng và mập mờ tiết lộ "tin trọng đại" sắp được công bố. Không lâu sau, các quan chức Nhà Trắng bắt đầu tung tin cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong Un đang được lên kế hoạch.
Trong suốt những tháng sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ liên tục "quay" truyền thông, Triều Tiên rồi đồng minh Hàn Quốc về thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị. Ông lần lượt đe dọa hủy gặp, chính thức hủy gặp, rồi "hồi sinh" kế hoạch ngay trước thềm cuộc gặp lịch sử tại Singapore.
Sự kiện trở thành tâm điểm của báo đài trong nước và quốc tế trong một thời gian dài, mang lại cho ông Trump một chiến thắng rõ rệt về truyền thông.
Nhà lãnh đạo thậm chí đã áp dụng lại chiến lược này cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki vào tháng 7 cùng năm, theo tiết lộ của hai quan chức đảng Cộng hòa có quan hệ thân thiết với Nhà Trắng.
Tuy nhiên, kết quả truyền thông lại không được như Tổng thống Trump mong muốn. Dư luận và giới chính khách Mỹ tỏ rõ sự bất bình khi ông Trump không ủng hộ kết quả điều tra của cộng đồng tình báo nước nhà, thiếu quyết liệt trong họp báo khi đề cập nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Tái diễn chiến thuật
Với thượng đỉnh Trump - Kim lần hai, tổng thống Mỹ một lần nữa tìm cách tạo ra bầu không khí gay cấn.
Trong nhiều tháng, ông Trump nhiều lần phát biểu mập mờ về khả năng tổ chức thêm cuộc gặp với ông Kim. Ông hết lời ca ngợi mối quan hệ đặc biệt với nhà lãnh đạo trẻ tuổi, người mà ông từng mỉa mai là "gã tên lửa bé nhỏ" trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2017.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng làm ngơ trước thực tế rằng cuộc gặp đầu tiên với ông Kim không đủ để mở đường cho những bước tiến thực chất trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump thay vào đó nhấn mạnh mối đe dọa từ Triều Tiên đã suy giảm và tự tin khẳng định hai nước đứng trước cơ hội đạt được đột phá trong đàm phán.
Dẫn các nguồn thạo tin, AP cho biết các nhiều trợ lý của ông Trump đã cảnh báo cuộc gặp lần hai với ông Kim khó mang lại bầu không khí kịch tính và thắng lợi như cuộc gặp trước đó. Washington cần những kết quả cụ thể hơn trong sự kiện thượng đỉnh tại Hà Nội vào cuối tháng 2 này.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn yêu cầu cấp dưới xúc tiến kế hoạch truyền thông như cũ trước khi chính thức công bố kế hoạch tổ chức cuộc gặp trong Thông điệp Liên bang hôm 5/2.
Ông kiên quyết xây dựng hình ảnh cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam là một sự kiện mà truyền thông không thể bỏ lỡ. Ông còn chia sẻ với một quan chức thân tín trong chính phủ rằng truyền thông sẽ không thể cưỡng lại ý tưởng "thiện ác đối đầu" mà ông thúc đẩy.
Theo chuyên gia Brinkley, các đời tổng thống Mỹ từng có tiền lệ phải tổ chức nhiều hơn một hội nghị thượng đỉnh để đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí. Điển hình là các cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh lạnh nhằm kiểm soát vũ khí chiến lược.
Tuy nhiên, ông cảnh báo Tổng thống Trump đang ở trong một tình thế hoàn toàn khác vì Triều Tiên không phải là siêu cường như Liên Xô trước kia.
"Tổng thống Trump như một đứa trẻ sống cùng những trận đấu quyền anh những năm 1970. Giống như Muhammad Ali tái đấu với Joe Frazier vậy", Brinkley nhận định.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)