Video: Tào Tháo nói về việc ông không thể từ bỏ binh quyền. |
Không chỉ là đệ nhất gian hùng kim cổ có một, Tào Tháo còn là người có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lã Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương Bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống.
Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Nhưng đa số mọi người đều công nhận, Tào Tháo đã từng là thần tử năng nổ tích cực, đã từng bất chấp nguy cơ bị giáng chức để dâng sớ tâu bày điều hay, bảo vệ người ngay, ngăn cản kẻ xấu. Chỉ tiếc là mọi nỗ lực can gián đều thất bại. Hoạn quan tiếp tục lộng hành, làn sóng cải cách bị ngăn chặn.
Cuối năm 208, thất bại trong trận Xích Bích, Tào Tháo cùng bại binh rút lui về phía đường cái Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn phía bắc hồ Động Đình. Chu Du và Lưu Bị không ngừng đuổi theo ông cho tới tận Nam Quận. Cuối cùng, thiệt hại nặng nề khiến Tào Tháo phải bỏ miền Nam rút về Nghiệp Quận (Nghiệp Thành), để lại Từ Hoảng và Tào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương Dương và Mãn Sủng giữ Đương Dương.
Từ đó, Tào Tháo thì án binh bất động trong 2 năm 209 - 210. Ông đóng quân ở Nghiệp Thành, huy động người xây đài Đồng Tước để hưởng thụ lúc tuổi già.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, tại buổi lễ mừng đài Đồng Tước xây xong, sau khi các võ quan đã thi tài bắn cung lĩnh áo gấm, chứng tỏ bản lĩnh thì các quan văn Vương Lãng, Chung Do, Vương Sán, Trần Lâm mỗi người hiến một bài thơ, bài nào cũng ca ngợi công đức Tào Tháo như trời biển, xứng đáng lên ngôi thiên tử. Tháo xem từng bài, rồi cười mà nói rằng:
“Các ông văn hay, khen ta khi quá lời.
Ta vốn là người ngu lậu, khi trước cũng may mà được phong chức hiếu liêm. Sau gặp buổi thiên hạ loạn lạc, ta có làm một cái nhà mát cách thành Tiêu năm mươi dặm về phía đông. Ta cũng muốn mùa xuân mùa hạ thì đọc sách, mùa thu mùa đông thì săn bắn, đợi khi nào thiên hạ thái bình, mới ra làm quan. Không ngờ triều đình triệu ra cho làm điển quân hiệu uý. Ta mới đổi nguyện vọng xưa, muốn ra dẹp giặc, lập công với nước, chỉ mong sau khi ta mất đi, được để ở trên mộ chí rằng: “Mộ của quan cố Chinh tây tướng quân Tào hầu”. Ấy thế là ta mãn nguyện...
Nhớ lại, từ khi ta giết Đổng Trác, quét sạch Khăn vàng, trừ được Viên Thuật, phá được Lã Bố, dẹp tan đám Viên Thiệu, Lưu Biểu, dần dần bình định được cả thiên hạ, mình làm đến chức tể tướng ngôi phú quý tưởng tột bậc rồi, còn mong gì hơn nữa?
Nếu triều đình không có ta, chưa biết bao người xưng đế, bao kẻ xưng vương rồi đó. Lắm người thấy ta quyền cao chức trọng, ngờ cho ta có bụng này khác, thật là lầm lớn!
Ta thường nhớ Khổng Tử khen đức tốt của vua Văn Vương nhà Chu, lời xưa ta vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng muốn cho ta bỏ binh quyền đi, ra ở chỗ đất được phong là Võ bình hầu, thì cũng không xong: Vì ta không còn binh quyền trong tay, tất sẽ bị kẻ khác hãm hại. Ta mà bị hại, thì nhà nước cũng sụp đổ. Bởi thế ta không thể mến cái tiếng hão mà mang cái vạ thật, chắc các ông không ai biết nỗi lòng cho ta!”.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành nhà Tào Ngụy thời Tam quốc.
Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)